Giải Pulitzer năm nay vừa được công bố hôm 12/4, và hai giải báo chí đã đến với các câu chuyện về tình trạng phân tâm của tài xế khi lái xe.
Phóng viên Matt Richtel của tờ The Times giành chiến thắng ở thể loại phóng sự nhiều kỳ cho loạt bài “Driven to Distraction” viết về những nguy hiểm rình rập khi dùng các thiết bị di động trong lúc lái xe.
Trong khi đó, giải Pulitzer dành cho thể loại chuyên đề (Feature Writing) đã thuộc về phóng viên Gene Weingarten của tờ The Washington Post với bài viết “Sự xao nhãng chết người: Để quên trẻ trong xe là một sai lầm đáng sợ. Hay tội ác?” (Fatal Distraction: Forgetting a Child in the Backseat of a Car Is a Horrifying Mistake. Is It a Crime?).
Bài báo của Gene Weingarten được viết theo cấu trúc tường thuật với kết cấu chặt chẽ. Câu chuyện bắt đầu tại phòng xử án, nơi một người cha, ông Harrison, bị xét xử tội ngộ sát sau khi để con trai tử vong trên hàng ghế sau ô tô, do để cậu bé ngồi trong đó suốt 9 tiếng liền vào một ngày tháng 7 nóng bức. “Đó là một sai lầm không thể lý giải, không thể bào chữa, nhưng đó có phải là một tội ác?” nhà báo Weingarten viết. “Đó là câu hỏi dành cho quan toà.”
Weingarten viết:
“Khi chuyện đó xảy ra với trẻ nhỏ thì thường cùng kịch bản: Bậc cha mẹ trong một ngày bận rộn, hoặc bị phân tâm, hoặc buồn phiền, hoặc rối trí vì một thay đổi nào đó trong thời khoá biểu và lỡ... bỏ quên con trong ô tô. Chuyện đó xảy ra trên khắp nước Mỹ mỗi năm 15-25 lần, vào cả mùa xuân, mùa hạ, và chớm thu. Mùa nào gần như tuỳ thuộc vào chúng ta.
Cách đây hai thập kỷ, chuyện này khá hy hữu. Nhưng vào đầu thập niên 90, các chuyên gia về an toàn xe hơi khẳng định rằng túi khí trước ở ghế phụ có thể giết chết trẻ nhỏ, và họ khuyên nên đặt ghế dành cho trẻ nhỏ ở hàng ghế sau; và an toàn hơn cả và lắp ghế để trẻ ngồi quay mặt về phía sau. Nếu như chỉ có vài người tiên đoán được kết cục bi thảm của việc ít nhìn thấy trẻ trên xe, thì ai có thể đổ lỗi cho họ? Loại người nào mà lại bỏ quên một đứa trẻ?
Người giàu có, người nghèo có, và giới trung lưu cũng có. Các bậc cha mẹ ở mọi lứa tuổi và mọi sắc tộc đều có. Các bà mẹ cũng dễ phạm phải như các ông bố. Chuyện đó xảy ra với cả những người mắc bệnh đãng trí kinh niên lẫn người có đầu óc tổ chức; với người tốt nghiệp đại học và cả người mới ở trình độ “xoá mù”. Trong 10 năm qua, chuyện đó đã xảy ra cả với một nha sĩ. Một bưu tá. Một công nhân. Một cảnh sát. Một kế toán. Một quân nhân. Một thợ điện. Một mục sư. Một sinh viên. Một y tá. Một công nhân xây dựng. Một hiệu phó. Chuyện đó xảy ra với một bác sĩ tâm lý, một giảng viên đại học, và một người làm bánh pizza. Chuyện đó đã xảy đến với một bác sĩ khoa nhi. Chuyện đó cũng đã xảy đến với một nhà khoa học nghiên cứu tên lửa.”
Trên đây là một phần trong bài báo đã đoạt giải Pulitzer của Weingarten - không có “chúng ta” và “họ”. Ông muốn nói rằng bi kịch này có thể xảy đến với bất kỳ ai.
Ngoài hai nhà báo đã giành chiến thắng trên, phóng viên Ken Bensinger và Ralph Vartabedian của tờ The Los Angeles Times cũng lọt vào vòng chung khảo của hạng mục phóng sự nhiều kỳ với loạt bài về việc lỗi thiết kế và sự quản lý yếu kém của chính phủ đóng góp thế nào vào vấn đề có thể gây chết người của xe Toyota.