TP.HCM - Hà Nội

Hà Nội và TP.HCM nằm ngoài Top 20 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất

PV 06/05/2025 - 15:30

Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 6/5 tại Hà Nội, lần đầu tiên thành phố Hải Phòng vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng điều hành kinh tế. Đáng chú ý, hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM nằm ngoài Top 20 địa phương có năng lực cạnh tranh nổi bật.

Báo cáo PCI 2024 được thực hiện nhằm đánh giá khách quan và toàn diện về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh trên toàn quốc, với mục tiêu thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Top 5 địa phương dẫn đầu PCI năm 2024 gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương còn lại trong Top 10 bao gồm Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và Hưng Yên.

base64-17465104839531730135145.jpg
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, phát biểu tại lễ công bố PCI 2024. Ảnh: B.NGỌC

Khảo sát PCI năm nay được VCCIthu thập từ phản hồi của hơn 11.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Kết quả phản ánh trực tiếp trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc Hải Phòng lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng là kết quả từ những nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Thành phố đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và thúc đẩy thu hút đầu tư.

Cụ thể, trong năm 2024, Hải Phòng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt ở 7/10 chỉ số thành phần của PCI, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền địa phương, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Ngoài ra, ba chỉ số còn lại trong hệ thống đánh giá PCI gồm: đào tạo lao động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian.

Dưới góc nhìn từ PCI 2024, VCCI ghi nhận 9 xu hướng điều hành đáng chú ý tại các địa phương. Trong đó, nổi bật là: chất lượng lao động được cải thiện, thông tin chính sách minh bạch hơn, việc gia nhập thị trường thuận lợi, thiết chế pháp lý và trật tự an ninh được duy trì ổn định. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại như: sự suy giảm tính năng động của chính quyền địa phương, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính chững lại, khó khăn trong tiếp cận đất đai và sự trở lại của chi phí không chính thức.

base64-17465099283312000654090.jpg
Lãnh đạo các địa phương tham gia hội nghị công bố PCI 2024 ngày 6-5 tại Hà Nội. Ảnh: B.NGỌC

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết còn gặp nhiều phiền hà khi thực hiện các thủ tục hành chính vẫn ở mức cao: thủ tục liên quan đến đất đai (44%), thuế và phí (33%), xây dựng (11%), quản lý thị trường (13%), phòng cháy chữa cháy (14%) và bảo hiểm xã hội (6,9%).

Những kết quả từ PCI 2024 là căn cứ quan trọng để các địa phương nhìn nhận khách quan hiệu quả điều hành, từ đó có những hành động cải cách mạnh mẽ và thiết thực hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hà Nội và TP.HCM nằm ngoài Top 20 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO