Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xử lý các cây cầu yếu trên địa bàn
Sáng nay (21/7), Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan nhằm đánh giá tiến độ cải tạo, nâng cấp và thay thế các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố.
Theo ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hiện nay Sở đang trực tiếp quản lý 587 cây cầu, bao gồm: 7 cầu lớn, 492 cầu nhỏ, 13 cầu vượt nhẹ và 75 cầu đi bộ.
Qua rà soát thực tế, thành phố hiện có tổng cộng 167 cây cầu được xếp vào diện cầu yếu hoặc cầu tạm. Các công trình này phần lớn có mặt cắt ngang không đồng bộ với quy mô tuyến đường, chiều rộng cầu hẹp hơn đường dẫn, gây ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trong số này, có 58 cây cầu do thành phố trực tiếp đầu tư, quản lý và duy tu; 114 cầu thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Giai đoạn 2017 - 2024, Ban Quản lý Dự án Giao thông Hà Nội đã đề xuất đầu tư cải tạo 41 cây cầu yếu. Kết quả, đến nay đã có 27 cầu hoàn thành và đưa vào khai thác, 12 cầu đang trong quá trình thi công, 2 cầu đang điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố tiếp tục triển khai thêm 25 dự án xây dựng cầu mới nhằm thay thế các công trình xuống cấp. Đồng thời, công tác duy tu, sửa chữa định kỳ cũng đang được Sở Xây dựng kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng để lập kế hoạch thực hiện trong năm 2025.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã tiếp nhận nhiều kiến nghị từ cử tri liên quan đến việc xây dựng mới hoặc cải tạo các cây cầu tại một số địa phương, tiêu biểu như: cầu Trung Hòa, Thượng Tiết, Núi Vua (huyện Mỹ Đức); cầu Minh Châu (huyện Ba Vì); cầu Tân Dân (huyện Phú Xuyên); cầu Khánh Vân, Phúc Quan, Vọng Tân (huyện Ứng Hòa)... Những nội dung này đã được Sở tổng hợp và báo cáo UBND thành phố để xem xét, xử lý.
Tại buổi làm việc, ông Đàm Văn Huân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu giám sát lần này nhằm làm rõ vai trò tham mưu của các sở, ngành trong việc xử lý các cây cầu yếu, đặc biệt là sau ảnh hưởng của bão Yagi và trong bối cảnh Hà Nội triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp.
Ông Huân cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như: danh mục cầu yếu chưa được thống kê đầy đủ; nhiều cầu cần đầu tư xây dựng mới nhưng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; nguồn vốn triển khai còn hạn chế; một số cầu nằm trong tổng thể các dự án giao thông nên kéo dài thời gian triển khai; nhiều cầu phao, cầu tạm tự phát không có hồ sơ hoàn công, kiểm định; công tác duy tu, sửa chữa chưa được bố trí đủ vốn và chưa kịp thời.
Trên cơ sở đó, Ban Đô thị đề nghị các sở, ngành liên quan sớm tổ chức kiểm định kỹ thuật, đánh giá an toàn kết cấu các công trình cầu yếu để kịp thời đưa ra giải pháp sửa chữa, hạn chế tải trọng hoặc xây dựng mới thay thế.
Đồng thời, cần chủ động xây dựng các phương án ứng phó với sự cố, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.