Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Đưa đúng người và giải ngân đúng cách

Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO| 10/03/2022 01:00

Gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022 với quy mô 350.000 tỷ đồng, dành phần lớn nguồn lực đầu tư hạ tầng cho phát triển, phục hồi kinh tế trong hai năm 2022 và 2023 là một tin vui đặc biệt với doanh nghiệp (DN) và người lao động trong bối cảnh "bình thường mới".

Ở góc nhìn của một doanh nhân, một nhà tư vấn DN, tôi nhận thấy gói hỗ trợ  này chi cho đầu tư phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng, miễn giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, an sinh xã hội, việc làm... đã sát đúng với tình hình thực tế khi đại dịch được khống chế.

Có thể nói, DN có vận hành được hay không mang tính quyết định tới sự phục hồi nền kinh tế nước nhà. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách tiền tệ, duy trì mức lãi suất cho vay thấp hơn có thể giúp DN và người tiêu dùng giảm gánh nặng tài chính.  

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng có thể nói là yếu tố "vaccine tinh thần" có tác động tích cực và có khả năng vực dậy các thành phần kinh tế, hồi sinh những ngành đang "ngắc ngoải" do đại dịch Covid-19 trong hai năm vừa rồi như du lịch, hàng không... đưa nền kinh tế trở lại mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch của Chính phủ.

dn-1-8399-1646884743.jpg

Nhưng có những câu hỏi đặt ra với gói hỗ trợ này: Nên triển khai như thế nào, bắt đầu từ đâu, bắt đầu khi nào?

Theo tôi, có ba vấn đề chính để kiểm soát quá trình thực hiện gói hỗ trợ này:

Thứ nhất, chi đúng đối tượng để phòng tránh thất thoát, tiêu cực. Để đảm bảo đúng đối tượng cần chú ý ba điểm: đối tượng thụ hưởng, kênh tiếp cận và thủ tục phê duyệt. Đối tượng được thụ hưởng phải thật cụ thể, dễ nhận diện. Kênh tiếp cận phải tập trung, dễ kiểm soát, dễ truy cập và gần gũi với đối tượng hỗ trợ. Thủ tục phê duyệt cần minh bạch, tối giản, tiết kiệm tối đa thời gian.

Trước đây đã "có ví dụ” về những gói hỗ trợ phải "nằm trên giấy", tổ chức và cá nhân không thể tiếp cận bởi hiện tượng "trên trải thảm, dưới rải đinh", hay yêu cầu thủ tục quá mức oái oăm do lo ngại tiền đến không đúng chỗ.  

Thứ hai, giải ngân nhanh chóng. Triển khai gói hỗ trợ phải diễn ra nhanh nhất có thể để các đối tượng được hỗ trợ thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong thời điểm kinh tế đang bắt đầu mở cửa trở lại; những ngành có lợi thế xuất khẩu chớp được thời cơ thị trường. Nếu gói hỗ trợ quá "đủng đỉnh" thì không còn khả năng "kích thích" nữa mà sẽ trở thành "miếng mồi treo".

Đây cũng được xem là "tấm ván nổi" cho những DN đang "hấp hối". Vì vậy, cả nền kinh tế đều không mong đợi gói kích thích kinh tế sắp tới lại trở thành "khoản tiền cúng" - chỉ nghe mà không chạm tới được.

Thứ ba, đảm bảo minh bạch và kiểm soát tốt. Thông qua gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay trong thời điểm khó khăn này, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị, kinh tế. Vì vậy, nếu không đạt được mục tiêu về minh bạch và kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát thì sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn.

Chính vì vậy, tôi đề xuất thực sử dụng nền tảng E-Platform để số hóa các chương trình giải ngân, từ các đối tượng là đơn vị nhà nước, nhà thầu, đến từng địa phương và những ngân hàng có liên quan. 

Cùng với xu hướng trong việc phát triển nền kinh tế số, hướng đến E-Government, vận hành nền tảng này có thể giúp tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc theo dõi thông tin và làm theo. DN có thể đăng ký nhận hỗ trợ và đưa ra minh chứng về hiện trạng của mình trên nền tảng online để tiết kiệm thời gian lẫn công sức, thay vì chạy đôn chạy đáo để thực hiện thủ tục.

Với nền tảng này, các cơ quan kiểm toán nhà nước cũng có khả năng kiểm soát dễ dàng, chặt chẽ và toàn diện gói hỗ trợ. Đây là phương pháp chống tiêu cực, chống lách luật cũng như tăng khả năng phản ứng và điều chỉnh kịp thời khi có vấn đề xảy ra.

Cùng với ba điểm cốt lõi trên, tôi cho rằng sự đồng bộ, đồng lòng và hành động trực tiếp từ các cơ quan cấp cao nhất là điều kiện đủ để triển khai gói kích thích kinh tế này. Cần thiết lập một quá trình triển khai - theo dõi - điều chỉnh - tổng kết gói hỗ trợ đảm bảo đối phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong thời điểm khó khăn hiện nay, tận dụng tốt nguồn lực của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là mục tiêu quan trọng để đất nước quay lại với đường đua kinh tế và đảm bảo phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Đưa đúng người và giải ngân đúng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO