"Trong nguy có cơ"

Phan Thế Hải| 31/08/2021 04:09

Dịch bệnh bùng phát trở lại, nền kinh tế gần như bị ngưng trệ. Đại dịch là nguy cơ nhưng "trong nguy có cơ". Trong bối cảnh đó, vai trò của thương mại điện tử nổi lên như một giải pháp hữu hiệu, khắc phục những khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của thương mại điện tử nổi lên như một giải pháp hữu hiệu

Cú giáng nặng nề từ đại dịch

Nhận định chung của các doanh nhân khi nói về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm là nền kinh tế đang chịu cú giáng nặng nề từ đại dịch. 

Ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc khách sạn (KS) Mường Thanh Sài Gòn cho biết: Doanh thu sụt giảm vì khách du lịch và khách công vụ đều không còn do TP giãn cách, nhiều nhân viên nghỉ việc. Hiện chúng tôi chỉ duy trì một bộ phận nhỏ nấu cơm từ thiện cung cấp cho các khu vực bị cách ly. Năm nay thất thu, nên Mường Thanh Sài Gòn lỗ nặng.

Ông Lê Hồng Thanh - Giám đốc Ladalat Hotel ở Đà Lạt cho biết: Từ đầu năm, khách sạn ông hoạt động cầm chừng, ba tháng lại đây đóng cửa hẳn, chỉ duy trì bộ phận bảo trì khách sạn. Các đường bay quốc tế ngừng hẳn, các đường bay trong nước hạn chế, không có khách, không cung cấp dịch vụ lữ hành, lưu trú… 

Thực trạng thê thảm như KS Mường Thanh hay Ladalat Hotel cũng là tình trạng chung cho ngành khách sạn dịch vụ, ngành giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trên toàn quốc. Tuy nhiên, sự khó khăn của KS Mường Thanh hay Ladalat Hotel chưa phải đã tồi tệ nhất, bởi chủ đầu tư có nguồn lực tài chính tốt, không đầu tư bằng vốn vay ngân hàng. 

Hàng trăm cơ sở dịch vụ, khách sạn sử dụng vốn vay đang phải chịu sức ép rất lớn từ việc trả nợ gốc và lãi hàng tháng. Khi hết nguồn thu, doanh nghiệp (DN) không có nguồn vốn trả gốc và lãi, buộc ngân hàng phải chuyển sang nợ quá hạn. Chủ đầu tư muốn thoát nợ phải chào bán KS hoặc chờ ngân hàng đến siết nợ, bán đấu giá.

31-8-2-7403-1630390148.jpg

Chủ đầu tư muốn thoát nợ vay ngân hàng phải chào bán KS hoặc chờ ngân hàng đến siết nợ, bán đấu giá

Một ngành tưởng như ít chịu tác động nhất là ngành xây lắp cũng phải đương đầu với vô vàn khó khăn. Ông Trần Mạnh Hoài - Chủ tịch Phú Đông Group phản ảnh: Các gói thầu ở một số tỉnh lẻ không vướng đại dịch vẫn hoạt động bình thường, nhưng thị trường chính của ngành xây lắp chủ yếu là ở các thành phố lớn. Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương đều là những tâm dịch nên phải dừng thi công hoàn toàn, đặc biệt là trong 3 tháng trở lại đây mọi hoạt động ngoài trời đều phải ngưng lại. 

Nói về kết quả kinh doanh ông Hoài cho biết: So với năm trước, năm nay cả sản lượng và doanh thu đều mất hơn 50%, doanh nghiệp lỗ là điều không tránh khỏi.

Ông Phan Sỹ Minh - Chủ tịch Công ty Sữa Ba Vì chia sẻ: Ngành sữa là sản phẩm thiết yếu, dẫu dịch bệnh vẫn sản xuất bình thường nhưng thực tế là các trường học đóng cửa, học sinh học online nên ngành sữa mất một lượng khách hàng lớn. Cùng với đó là hệ thống nhà hàng đóng cửa, khách du lịch giảm mạnh, vận chuyển khó khăn nên sức tiêu thụ sữa cũng giảm hơn 20%.

Một số ngành ít ảnh hưởng có thể kể đến ngành sản xuất, chế tạo…mặc dù vẫn hoạt động nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn như chi phí vận tải tăng, việc cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn gây áp lực không nhỏ. Một số ngành sản xuất có tăng trưởng nhẹ, còn toàn cảnh là đang hoạt động cầm chừng.

Với những thực trạng ấy, theo dự báo của Bộ Công thương, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm. Dự báo này thấp hơn 2% so với dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

31-8-4-2322-1630390148.jpg

Tại TP.HCM các công trình xây dựng chưa thật sự cấp bách đều tạm ngừng thi công trong thời gian giãn cách theo chỉ thị 16

Cũng do áp dụng chế độ giãn cách lan rộng, trong tháng 8, doanh số bán lẻ giảm 20% so cùng kỳ năm trước.

Thương mại điện tử, chuyển đổi số cứu cánh cho DN

Trong khi chịu cú giáng nặng nề từ đại dịch, nền kinh tế vẫn còn điểm sáng đó là các doanh nghiệp đang tranh thủ thời kỳ giãn cách để tích cực chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của thương mại điện tử nổi lên như một giải pháp hữu hiệu, khắc phục những khó khăn do thực hiện chính sách giãn cách xã hội.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD trong năm 2020, chỉ sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Tuy nhiên, Google dự đoán, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực, với 34%.

Các DN thương mại điện tử Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới để đón đầu xu hướng. Hầu hết sàn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung, hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company từng đánh giá, nhân tài là yếu tố hàng đầu mà các DN cần tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng và nỗ lực cải thiện để bảo đảm duy trì đà tăng trưởng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới dự báo đạt quy mô thị trường 29 tỷ USD năm 2025. Với Việt Nam, thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực còn mới và chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu. 

31-8-6-7896-1630390148.jpg

Giải pháp chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp

Việt Nam hiện có hạ tầng khá hiện đại để xây dựng năng lực số cho quốc gia. Thiết nghĩ cần có 3 định hướng cơ bản mà Chính phủ đóng vai trò trung tâm: Thứ nhất là khuyến khích các DN và người lao động trang bị những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số; Thứ hai là bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các DN thông qua cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước; Thứ ba là thúc đẩy khả năng truy cập, chất lượng và an ninh thông tin. 

Các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp khéo léo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch đầy đủ, tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư nhân.

Đại dịch Covid-19 bùng phát là nguy cơ cho nền kinh tế nhưng “trong nguy có cơ” và “trong cơ có nguy”. Việc hạn chế giao tiếp đã khiến cho các DN và cộng đồng dân cư phải làm quen với việc mua sắm online và các sàn giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, dự kiến phải đến đầu năm 2022 nền kinh tế mới bắt đầu trong trạng thái bình thường mới. Những hậu quả nặng nề do đại dịch giáng xuống nền kinh tế phải mất vài năm sau mới khôi phục được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Trong nguy có cơ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO