Xuất khẩu trực tuyến: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

HOÀNG NGUYỄN| 22/09/2016 06:48

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đang mang đến nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa!

Xuất khẩu trực tuyến: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đang mang đến nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa!  

Đọc E-paper

Trên thực tế, đã có rất nhiều DN đã thành công nhờ ứng dụng thương mại điện tử. Thông qua thương mại điện tử, cơ sở cá kho làng Vũ Đại của ông Trần Bá Luận (thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Và cũng nhờ hình thức quảng bá trực tuyến mà cá kho làng Vũ Đại được bán khắp cả nước và đưa ra cả thế giới. Nhiều hộ nông dân của làng Vũ Đại cũng nhờ vào đó mà có cuộc sống khấm khá hơn.

>>Làng “Vũ Đại” kho cá xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, với lợi thế của một nước có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất khu vực, thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ phát triển thị trường khoảng trên 30%/năm.

Chia sẻ tại một hội thảo về công nghệ số hồi tháng 6/2016, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, công nghệ số đang tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các DN trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường. Việt Nam với hơn 90% DN thuộc quy mô DN nhỏ và vừa nhưng đóng góp đến 51% tổng số việc làm và 40% GDP.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2013, tổng giá trị giao dịch của thị trường thương mại điện tử đạt 2,2 tỷ USD, đến năm 2014 lên 2,97 tỷ USD và năm 2015 là 4,07 tỷ USD. Năm 2015, thương mại điện tử chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Internet còn mở ra cơ hội lớn cho các DN này đến với thế giới. Hiện nay, một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu là xuất khẩu trực tuyến. Thực tế xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử Alibaba cho thấy, có đến 70% DN cho biết ứng dụng thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao. Kết quả khảo sát trên 800 DN xuất khẩu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin công bố hồi cuối tháng 3/2016 cũng cho thấy, có đến 70% DN là DN nhỏ và vừa.

Số DN lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 52% trong khi tỷ lệ này ở DN nhỏ và vừa là 36%. Tuy số lượng DN tham gia khiêm tốn nhưng hiệu quả mà các DN thu được không hề nhỏ. Cụ thể, có đến 42% DN cho biết tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%. Điều đáng quan tâm hơn nữa là tỷ lệ tranh chấp khi sử dụng hợp đồng điện tử rất thấp, chỉ khoảng 8%.

Kênh này mang lại hiệu quả về mặt chi phí và rất phù hợp với tiềm lực của các DN nhỏ và vừa của Việt Nam. Bởi các DN thông qua thương mại điện tử xuất khẩu không mất nhiều chi phí đầu tư. Đó cũng là lý do nhiều DN đầu tư vào kênh xuất khẩu trực tuyến để chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng kinh doanh.

Khảo sát của Nielsen (công bố hồi tháng 6/2016) cho thấy, có 50% lãnh đạo DN tin rằng thương mại điện tử sẽ đóng góp trên 30% hoặc có thể còn cao hơn nữa vào sự tăng trưởng của DN họ trong 5 năm tới. Có đến 32% ý kiến cho biết, thương mại điện tử sẽ mang lại cho họ 20% trong tổng doanh thu trong hoạt động kinh doanh của họ trong 5 năm tới.

Theo các chuyên gia, tại các nước đang phát triển, xu hướng xuất khẩu trực tuyến đang là sự lựa chọn hàng đầu của các DN. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi các nhà nhập khẩu trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua internet.

Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tỷ lệ sử dụng internet rất cao. Vì thế, nếu các DN khai thác được thương mại điện tử để tiếp cận thị trường xuất khẩu sẽ rất hiệu quả.

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của kênh này, thời gian qua, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin cũng đã bằng nhiều biện pháp hỗ trợ DN. Đơn cử là việc thành lập cổng thông tin thương mại điện tử để DN kết nối với các thương vụ và hỗ trợ DN xuất khẩu, cung cấp thông tin từng nhóm hàng, từng khu vực, hệ thống thương vụ ở các nước...

>Doanh nghiệp nhỏ tự "cởi trói" thế nào?

>Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong “cuộc chơi” kinh doanh số

>Vai trò lớn của doanh nghiệp nhỏ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu trực tuyến: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO