Thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước khủng, có về đích kịp?

Khánh Phương| 31/08/2019 07:00

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (CPH) đến hết năm 2020, với 93 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thực hiện CPH.

Anh-1-1696-1567157024.jpg

Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn - SJC sẽ CPH đến hết năm 2020

Mục tiêu và những khó khăn

Như vậy, chỉ trong vòng chưa tới một năm rưỡi nữa, các doanh nghiệp trong danh mục phải hoàn thành nhiệm vụ CPH như yêu cầu. Nhìn lại quá khứ, các kế hoạch CPH và thoái vốn của Nhà nước dù đặt ra kế hoạch rất tham vọng nhưng đều không đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tiến độ trong giai đoạn gần đây thậm chí còn chậm lại. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước chỉ bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp thu về 562,7 tỷ đồng và thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589 tỷ đồng.

Có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ này, khi mà nhiều doanh nghiệp CPH, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai, phạm vi hoạt động rộng nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Ngoài ra, còn do sự thiếu chủ động, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chây ì, gây trì trệ vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Bên cạnh đó, các quy định về CPH, thoái vốn, mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo tối đa lợi ích nhà nước, ngăn ngừa bán rẻ tài sản nhà nước, thâu tóm giá rẻ của nhóm lợi ích. Do đó, quy trình thực hiện cũng dài hơn, đòi hỏi thời gian thực hiện lâu hơn, cộng thêm việc rà soát, lập hồ sơ pháp lý, phê duyệt phương án sử dụng đất mất nhiều thời gian so với quy định. Chính vì vậy, một bộ phận lãnh đạo cũng e ngại trách nhiệm và chần chừ, thoái thác, nhất là khi một loạt vụ án về việc bán rẻ tài sản nhà nước được đưa ra điều tra, xét xử gần đây.

Thuận lợi hơn trong thời gian tới?

Rõ ràng, để có thể CPH và bán vốn thành công, các doanh nghiệp cần phải chỉnh trang, cấu trúc lại hoạt động của mình để hiệu quả hơn, vì món hàng có đẹp, hấp dẫn, mới có thể thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào.

Một thuận lợi nữa là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang đổ vào rất mạnh thời gian gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vận hành hiệu quả và duy trì đà tăng trưởng, hoạt động thương mại đang được lợi trong khi tỷ giá được giữ ổn định so với đồng tiền của các nền kinh tế lân cận. Có thể nói, thị trường ngoại hối được quản lý hiệu quả là một trong những điều kiện quan trọng nhất để giữ chân và thu hút thêm dòng vốn đầu tư quốc tế.

Dĩ nhiên, ngoài những điều kiện khách quan tích cực, thì quyết tâm và động lực của các cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo mục tiêu CPH và thoái vốn của Chính phủ thành công và về đích kịp thời gian.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai, theo đó sẽ càng thu hút được một lượng vốn lớn đổ vào, giúp lộ trình CPH và thoái vốn các DNNN gặp nhiều thuận lợi hơn. Thực tế quá khứ cho thấy, khi thị trường chứng khoán diễn biến tích cực đã giúp Chính phủ thoái vốn rất thành công ở không ít DNNN.

Dĩ nhiên, ngoài những điều kiện khách quan tích cực, thì quyết tâm và động lực của các cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo mục tiêu CPH và thoái vốn của Chính phủ thành công và về đích kịp thời gian. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn Nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế nói chung và các DNNN nói riêng, việc CPH và thoái bớt vốn Nhà nước là điều cần thiết, miễn là không bán rẻ tài sản quốc gia. Thực tế cho thấy, các thương vụ thoái vốn gần đây khá thành công như Vinamilk hay Sabeco, không chỉ mang lại một nguồn lực lớn cho ngân sách vốn đang gặp nhiều căng thẳng mà còn đóng góp đáng kể một lượng cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn trong thời gian tới để mở nút thắt cho tăng trưởng, thì việc CPH và thoái vốn DNNN càng cần thiết để mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước khủng, có về đích kịp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO