Phản ứng nhanh chính sách để đẩy mạnh cải cách

Nguyễn Hoàng| 10/08/2019 07:00

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - ông Phan Đức Hiếu, trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn về sự cần thiết thay đổi cách làm luật nhằm tăng khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ.

Phản ứng nhanh chính sách để đẩy mạnh cải cách

* Chính phủ nhiều quốc gia đang tăng phản ứng chính sách nhằm xử lý những vấn đề mới, đến từ những thay đổi về cơ chế chính sách, như Mỹ, Trung Quốc... Ông nhận thấy những động thái tương tự tại Việt Nam?

- Việc tăng phản ứng chính sách của Chính phủ để xử lý những vấn đề mới, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thời gian xử lý một vấn đề mới thường mất 1-2 năm, tôi cho là chậm. Chẳng hạn, chúng ta đang loay hoay về chiến lược Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng chưa quan tâm nhiều đến những quy định hiện hành đang cản trở các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Việc sửa Nghị định 86/2014 vẫn chưa xong, đến nay chưa có khung pháp lý cho hoạt động của Grab tại Việt Nam. Chúng ta cũng bàn nhiều về Fintech nhưng cả năm vẫn chưa đưa ra được một khung pháp lý.

* Những phản ứng chính sách của Chính phủ hiện diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Những phản ứng chính sách cần thúc đẩy nhanh hơn. Chẳng hạn, sửa Luật Doanh nghiệp lần này, ngoài rà soát, giải quyết các vướng mắc, bất cập từ các quy định chưa rõ ràng hoặc không hợp lý, chúng tôi hướng đến mục tiêu lớn hơn là cải cách triệt để, tạo thủ tục về gia nhập thị trường theo hướng thuận lợi nhất, nhanh nhất và ít tốn kém chi phí nhất. Muốn vậy, chúng ta cần thay đổi cách nhìn về gia nhập thị trường, thay đổi việc chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, coi việc giảm thêm hai ngày về gia nhập thị trường là không đáng kể. Trên thực tế, nếu một doanh nghiệp tiết kiệm được hai ngày gia nhập thị trường, với 100 doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngày công. Hơn nữa, cần tính đến các lợi ích kinh tế khác, nếu chậm hai ngày gia nhập thị trường, người kinh doanh phải chịu thêm hai ngày không có doanh thu trong khi vẫn phải chi phí về vốn, về lãi suất.

Sửa Luật lần này, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy phát triển quản trị doanh nghiệp, hướng tới chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các nước phát triển. Do đó, rất nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung. Ví dụ, nâng cao quyền của cổ đông, mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, trao thêm cơ hội cho cổ đông giám sát người quản lý công ty... Những sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sức ép về quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những vướng mắc liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tồn tại ít nhất trong 18 tháng tới, bởi vì Quốc hội mỗi năm chỉ họp hai lần để thông qua luật. Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được Quốc hội bàn tại kỳ họp tháng 10 tới, nếu được thông qua vào kỳ họp tháng 5/2020, thì nhanh nhất cũng phải đến tháng 1/2021 mới có hiệu lực thi hành.

* Theo ông, có thể thúc đẩy Chính phủ phản ứng với chính sách bằng cách nào?

- Sức ép bên ngoài đang ngày một lớn, những vấn đề mới có diễn biến nhanh hơn, chỉ trong 3 hoặc 6 tháng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đang thay đổi cơ chế, biện pháp quản lý kinh tế, không chỉ nhấn mạnh đến cải cách mà còn tăng khả năng phản ứng chính sách.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam giữ cách làm luật truyền thống, thông qua một luật hay một nghị định với thời gian được tính bằng năm, là không còn phù hợp. Chẳng hạn, trình tự thẩm định dự luật đã được rút gọn nhưng chưa đủ. Nước ta cần một quy trình làm luật mới, tạo cơ chế phản ứng nhanh để một số đạo luật “mang tính thời sự” được thông qua trong thời gian ngắn.

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phản ứng nhanh chính sách để đẩy mạnh cải cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO