Nguồn lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đoàn Duy Khương| 09/03/2022 06:25

Trong nền kinh tế thị trường, nguồn lực vốn là yếu tố then chốt, trong đó có thể phân biệt 5 loại vốn: tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, con người và xã hội. Tất cả đều là nguồn lực có khả năng tạo ra sản phẩm để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Với 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở... Để thực hiện được những nhiệm vụ ấy, cần phải có nguồn lực tài chính và chính sách vừa đúng, vừa đủ trong môi trường biến động toàn cầu hiện nay.

Trong Nghị quyết 01, Chính phủ đã thể hiện các nguồn lực như dự toán ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng, văn hóa, môi trường kinh doanh... Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần phải huy động toàn diện nguồn lực của quốc gia. 

Định vị 5 nguồn lực chủ yếu

Theo quan điểm của các nhà kinh tế, trong nền kinh tế thị trường, nguồn lực vốn là yếu tố then chốt, trong đó có thể phân biệt 5 loại vốn: tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, con người và xã hội. Tất cả đều là nguồn lực có khả năng tạo ra sản phẩm để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

quan-tri-4-5477-1646812355.jpg

Vốn tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, đóng vai trò nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của mọi quốc gia. Chính vì thế, tài chính vẫn luôn là công cụ trừng phạt hàng đầu của các nước lớn đối với các quốc gia thù địch. Vốn tài nguyên được tạo thành từ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái của thế giới tự nhiên. Trong đó, vị trí địa - chính trị của đất nước cũng là vốn tài nguyên quan trọng. Việt Nam với vị trí bên Biển Đông luôn là đối tác không thể thiếu trong các chương trình nghị sự của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vốn sản phẩm vật chất bao gồm  tài sản vật chất mà quốc gia sản xuất ra. Nó thể hiện không chỉ là khả năng cạnh tranh mà còn là uy tín và tiềm lực của một quốc gia. Nguồn lực này cũng làm cho một số quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên vẫn có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm vật chất và trở nên giàu có. 

Vốn con người là năng lực sản xuất của một cá nhân, thông qua giáo dục và đào tạo. Sức mạnh con người sẽ được phát huy tối đa trong một xã hội có chính sách tiền lương, điều kiện lao động và an sinh xã hội đảm bảo. Vốn xã hội liên quan đến các thể chế giúp duy trì và phát triển nguồn vốn con người. Nếu hoạt động xã hội mang lại lợi ích cho con người thì đó cũng là một nguồn vốn. Chúng bao gồm các yếu tố thúc đẩy tương tác và trao đổi xã hội, sự phát triển của các chuẩn mực cho những tương tác này và thậm chí cả yếu tố hình thành niềm tin và giá trị là một phần của văn hóa. Sức mạnh của vốn xã hội đến từ thể chế kinh tế, chính trị, môi trường pháp lý, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, tổ chức xã hội và gia đình...

Phát triển bền vững để tiến tới một xã hội phồn vinh thì phải định lượng, huy động, sử dụng hiệu quả và hơn hết phải làm tăng các nguồn vốn, bao gồm cả vốn tài nguyên thường bị cạn kiệt do sản xuất kinh tế. Hay nói cách khác, phải chủ động và quản trị tốt các nguồn lực của quốc gia.

Chủ động và quản trị hiệu quả các nguồn lực

Quản trị hiệu quả các nguồn lực là phải duy trì và nếu có thể nâng cao 5 nguồn tài sản vốn, thay vì làm cạn kiệt hoặc xuống cấp chúng. Đó cũng là những nội dung cốt lõi trong các chương trình, nghị quyết hành động của Chính phủ và các địa phương nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Về bản chất, 5 nguồn lực phải được liên kết với nhau và phải được quản trị đồng bộ trong phát triển kinh tế. Chính phủ nên chăng cần tập trung cơ cấu lại bộ máy để giảm biên chế theo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là "tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, nhằm quản trị hiệu quả 5 nguồn lực để không những phục hồi kinh tế khi đại dịch Covid-19 được khống chế mà còn thực hiện tốt kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải xem 5 nguồn lực vừa là phương tiện, vừa là mục đích để đưa đất nước đến thịnh vượng.

Vốn con người là năng lực sản xuất của một cá nhân, thông qua giáo dục và đào tạo. Sức mạnh con người sẽ được phát huy tối đa trong một xã hội có chính sách tiền lương, điều kiện lao động và an sinh xã hội đảm bảo. Vốn xã hội liên quan đến các thể chế giúp duy trì và phát triển nguồn vốn con người.  

Khu vực doanh nghiệp có thể xác định những mô hình kinh doanh mới để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng quốc gia trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan đến việc cải thiện hiệu quả nguồn lực của quy trình sản xuất và cần nhận thức rằng "ít nguyên liệu hơn" có thể có nghĩa là "nhiều giá trị hơn". Doanh nghiệp cũng phải thường xuyên xây dựng văn hóa kinh doanh để góp phần gia tăng vốn xã hội của đất nước.

Người dân cần nhận thức rõ hơn việc có thể đóng góp thông qua lựa chọn sản phẩm và hành vi tiêu dùng theo hướng giữ gìn truyền thống và thượng tôn pháp luật.

Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...". Trong quá trình đó, chủ động quản trị toàn diện nguồn lực tài chính, sản phẩm vật chất, tài nguyên và con người để đưa nền kinh tế cất cánh, hướng tới tầm nhìn của một đất nước pháp quyền và nhân văn khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO