Môi trường làm việc an toàn: Nhân viên an, doanh nghiệp lợi

Thanh An| 05/08/2022 06:05

Đại dịch Covid đã đi qua giai đoạn đỉnh điểm, thế nhưng những “di chứng” của Covid-19 vẫn còn đó và tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh - sản xuất của doanh nghiệp nói riêng.

Môi trường làm việc an toàn: Nhân viên an, doanh nghiệp lợi

Không tuyển được lao động mới, không giữ được người lao động, tinh thần làm việc của người lao động không ổn định... đang là những vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19.

Bệnh trầm cảm là “di chứng” phổ biến nhất ở người lao động trong thời kỳ hậu Covid-19. Sau một thời gian dài cách ly để phòng chống dịch, người lao động làm việc online nên hầu như không có giao tiếp xã hội; rồi khi hết giãn cách xã hội thì công việc không còn hoặc bấp bênh, nguồn thu nhập bị giảm sút, gia đình gặp biến cố do dịch bệnh… khiến nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm.

Trong bối cảnh đó, việc thể hiện sự thấu hiểu nỗi lo lắng, cảm giác mệt mỏi của nhân viên, đồng thời thực hiện những chính sách chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho họ là trách nhiệm hàng đầu của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lý Quang Thắng – CEO Koina Distribution, nguyên Quản lý nhân tài tại Maersk: “Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần hay gắn kết đội ngũ nói chung phải xuất phát từ “cái tâm”. Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến con người thì chúng ta mới làm điều đó tốt được”.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hoài Linh – Giám đốc Nhân sự Navigos Group cho rằng, tình trạng “hậu Covid” chỉ là “cú hích” để doanh nghiệp làm tốt hơn công tác chăm sóc đời sống tinh thần cho nhân viên.

Theo bà Linh, “Chiến lược nhân sự phải đi kèm với chiến lược kinh doanh, và điều đó quan trọng hơn rất nhiều. Đó là việc cần phải tuyển nhân sự như thế nào, tuyển vào rồi thì phải ứng xử với nhân viên ra sao, tạo ra môi trường như thế nào để nhân viên cảm thấy gắn kết, thoải mái nhất?”.

Tạo ra một môi trường làm việc an toàn, thoải mái cho nhân viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đội ngũ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, chứ không phải chỉ khi chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch mới bắt đầu làm, bà Linh nhấn mạnh. 

-6481-1659624762.jpg

Bà Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc Nhân sự Navigos Group và ông Lý Quang Thắng - CEO Koina Distribution trong chương trình Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn 

Thế nào là một môi trường làm việc an toàn? Theo bà Linh, đó là nơi mà khi nhân viên muốn nêu ý kiến, muốn góp ý, muốn được chia sẻ ngay cả chuyện của cá nhân, thì đều có thể nói, có người nghe, và được thấu hiểu.

Bà chia sẻ kinh nghiệm: Người lãnh đạo phải lắng nghe ý kiến nhân viên, chấp nhận sai sót của nhân viên và cho họ cơ hội sửa sai. Từ đó, khoảng cách trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên sẽ được kéo gần lại, những ý kiến của nhân viên sẽ là sự đóng góp cải tiến quy trình làm việc, làm lợi cho doanh nghiệp. 

Ông Thắng còn phân tích: “Tạo ra một môi trường thân thiện, có một chế độ chăm sóc sức khỏe hiệu quả thì nhân viên đi làm sẽ tập trung vào công việc và cải thiện hiệu suất hơn là lo lắng về chuyện gây căng thẳng cho họ. Khi đó, hiệu suất công việc sẽ tốt. Điều này lợi cho ai? Lợi cho doanh nghiệp!”. Khi trong mỗi quyết định của người lãnh đạo có bóng dáng ý kiến của nhân viên, đó chính là sự khích lệ to lớn đối với họ, để họ tận tâm hơn nữa đối với công việc và cống hiến hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc xây dựng một môi trường làm việc an toàn, tạo sự yên tâm và thúc đẩy tinh thần gắn kết cho nhân viên, ngoài ý nghĩa đối với người lao động còn đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Đó chính là việc doanh nghiệp giữ được nhân tài, ổn định bộ máy nhân sự, cải thiện hiệu suất và hiệu quả làm việc, qua đó tiết kiệm chi phí thay người và gia tăng lợi nhuận. Nói cách khác, đó là một chính sách mà cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều hưởng lợi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Môi trường làm việc an toàn: Nhân viên an, doanh nghiệp lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO