M&A: Lợi thế của tài sản vô hình

MINH HÀO| 09/06/2016 06:56

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) đang nở rộ tại Việt Nam khi hàng loạt thương hiệu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đã thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.

M&A: Lợi thế của tài sản vô hình

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) đang nở rộ tại Việt Nam khi hàng loạt thương hiệu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đã thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Để có thể thu được giá trị cao nhất từ những thương hiệu đã dày công gầy dựng là điều không dễ đối với nhiều doanh nghiệp (DN). 

Đọc E-paper

Ồ ạt những thương vụ M&A

Hoạt động M&A đang nở rộ tại Việt Nam với hàng loạt thương vụ lớn diễn ra thời gian qua. Trong lĩnh vực bán lẻ, Nguyễn Kim và Big C đã thuộc về Central Group - một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan, Metro Việt Nam thuộc quyền sở hữu của một nhà đầu tư khác cũng đến từ Thái Lan là BJC, hai hệ thống Fivimart và Citimart cũng đã về tay nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon.

Với khối DN nội, Vinatexmart, Oceanmart và cả Maximark đã "về một nhà” với Vingroup... Đình đám nhất trong lĩnh vực sản xuất là thương vụ Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International. Xu hướng M&A được nhận định là sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới khi những ưu đãi từ các hiệp định thương mại mang lại sẽ giúp DN nước ngoài tiếp cận thị trường rộng lớn hơn như ASEAN, Trung Quốc...

Theo số liệu của Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IMAA), năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A liên quan đến các công ty Việt Nam đã tăng 40%, lên 4,3 tỷ USD. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng M&A đang tăng mạnh.

Theo một báo cáo về xu hướng M&A của Công ty Deloitte trong năm 2015, số lượng và giá trị các thương vụ M&A trên thế giới tăng nhanh trong 2 năm qua với giá trị lên tới 600 tỷ USD. Tuy nhiên, hơn 50% số thương vụ này không kết thúc suôn sẻ và đến 80% số vụ đổi chủ này không đạt được mục tiêu đề ra.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do để DN chọn M&A, chẳng hạn như muốn phát triển thương hiệu, chuyển hướng kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, thua lỗ có thể dẫn đến phá sản..., nhưng nguyên nhân khiến các DN nhỏ thường tìm đến M&A chủ yếu là vì thua lỗ.

Trên thực tế, những thương vụ diễn ra thời gian qua phần nhiều do DN muốn chuyển hướng kinh doanh, hoặc đón dòng vốn đầu tư nước ngoài để nâng tầm thương hiệu. Chẳng hạn như trường hợp của Kinh Đô, DN này bán mảng bánh kẹo vì thấy thị trường này đã chạm ngưỡng bão hòa.

Sau M&A, Kinh Đô đầu tư vào những lĩnh vực mới là dầu ăn và mì gói, đồng thời phát triển lĩnh vực kem ăn. Trong khi đó, Nguyễn Kim nhờ vào thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh từ tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái là Central Group đã thâu tóm thêm thương hiệu bán lẻ trực tuyến Zalora. Với việc sở hữu hệ thống bán hàng trực tuyến này, Nguyễn Kim sẽ hoàn thiện mảng bán lẻ khép kín từ "offline" cho đến "online".

Cần chú trọng Tài sản vô hình

Dù hoạt động M&A đang bùng nổ nhưng không phải DN nào cũng am tường vấn đề này. Có rất nhiều vấn đề DN trong nước thường gặp phải khi buộc phải M&A, như việc định giá công ty, thủ thuật thương lượng...

Các chuyên gia cho rằng, DN, nhà đầu tư nước ngoài rất am tường quản trị, có tiềm lực tài chính, nhiều kinh nghiệm trong việc mua lại DN có thể đưa ra hợp đồng phức tạp với những điều kiện khó khăn cho DN Việt Nam. Đối tác nước ngoài thường chú ý đến giá trị của DN, năng lực chủ đầu tư về phát triển thị trường, khả năng quản trị, nguyên nhân bán công ty và cả giá trị thương hiệu của DN. Dù thương hiệu được đánh giá cao nhưng DN Việt vẫn chưa khai thác được lợi thế này.

Chia sẻ về vấn đề thương hiệu trong M&A, Giám đốc Công ty Mibrand Lại Tiến Mạnh cho rằng, hiện nay, DN Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng giá trị thương hiệu của DN mang lại. Thương hiệu chính là giá trị tài sản vô hình rất lớn. Trên thế giới, giá trị thương hiệu của DN luôn được đặt ra trong giá trị tài sản của DN.

Các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho tài sản này, nhưng DN Việt Nam dường như ít quan tâm đến điều đó nên trong một số trường hợp M&A, nhà đầu tư nước ngoài cũng lờ đi hoặc không tính toán giá trị thương hiệu vào tổng tài sản của công ty. "Đây là thiệt thòi rất lớn đối với chủ DN vì xây dựng thương hiệu mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng khi bán lại không được ghi nhận là tài sản", ông Lại Tiến Mạnh nói.

Ngoài giá trị thương hiệu, DN cũng nên quan tâm đến vấn đề con người, văn hóa DN sau M&A. Chuyên gia quản lý danh tiếng và xử lý khủng hoảng Khuất Quang Hưng từng cho rằng, vấn đề con người và hòa hợp văn hóa công ty trong các thương vụ M&A đóng vai trò rất quan trọng nhưng yếu tố này thường bị bỏ quên hoặc coi nhẹ.

Khi nghiên cứu đánh giá tiền khả thi các thương vụ M&A, DN thường quan tâm nhiều đến vấn đề tài chính và các tài sản hữu hình mà ít chú trọng đến tài sản vô hình như con người, quyền lợi nhân viên hoặc văn hóa công ty. Đây là một lợi thế mà DN cần khai thác để tạo giá trị gia tăng cho DN khi M&A.

>M&A tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh

>M&A và sách lược giữ thương hiệu

>Khai thác tài sản trí tuệ, cách nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A: Lợi thế của tài sản vô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO