Không làm chung vẫn ngồi cùng

30/04/2013 02:56

Chuyên gia làm việc độc lập nhưng lại muốn có một môi trường theo nhóm.

Không làm chung vẫn ngồi cùng

Chuyên gia làm việc độc lập nhưng lại muốn có một môi trường theo nhóm.

>>Khám phá văn phòng Google London
>>
Văn phòng Google tại Israel

Coworking space là những nơi khởi nguồn cho mọi sáng tạo

Sự phổ biến của công nghệ và truyền thông như giao tiếp mạng xã hội, di động đã khiến cho việc làm ở nhà hay ở văn phòng hầu như không có gì khác biệt. Số người chọn làm ở nhà ngày càng nhiều.

Riêng tại Mỹ, số người này từ năm 1999 đến nay đã tăng 41% . Thế nhưng, làm việc tại nhà khiến nhiều người cảm thấy khó tập trung, bị mất môi trường giao tiếp.

Đó là lý do của sự phát triển các văn phòng làm việc chung trên khắp thế giới, nơi mọi người có thể chia sẻ không gian làm việc, cùng thảo luận, hỗ trợ lẫn nhau. Những người làm việc chung này là các chuyên gia trong lĩnh vực của mình, họ làm việc một cách độc lập nhưng lại muốn có một môi trường hoạt động theo nhóm.

Những năm gần đây, xu hướng làm việc chung đã bành trướng một cách mạnh mẽ trên khắp thế giới do sự gia tăng mạnh của những người làm nghề tự do, hoặc những solopreneur (tự điều hành công ty của mình).

Tại Mỹ, xu hướng này được thể hiện rất rõ. Theo Cục Thống kê Lao động của Mỹ, ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 65 triệu người Mỹ làm nghề tự do, làm việc tạm thời, nhà cung cấp dịch vụ độc lập và các solopreneur và họ chiếm đến 40% lực lượng lao động của nước này.

Hiện tại, các văn phòng chung đã mọc lên như nấm trên khắp nước Mỹ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

“Khi lực lượng lao động Mỹ có xu hướng chuyển sang làm nghề tự do hoặc làm việc tạm thời thì các văn phòng loại này ngày càng trở nên quan trọng”, Beau Button, nhà sáng lập WebDevrs và the Dojo tại New Orleans nhận xét.

The Dojo là một văn phòng chung được trang bị công nghệ kỹ thuật số một cách “tận răng”. Đây là nơi dành cho các nhà phát triển phần mềm, nhà thiết kế, lập trình viên, những người có tính chất công việc tương tự làm việc với nhau để cùng sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới.

“Văn phòng chung là nơi khởi nguồn cho sáng tạo. Chúng tạo ra một giá trị liên kết - kết quả của việc chia sẻ không gian làm việc và hợp tác giữa những người có cùng cách nghĩ, lĩnh vực chuyên môn. Tại đây, các mối quan hệ mới được thiết lập và phát triển. Các ý tưởng mới được đưa ra và bị chất vấn, sau đó là vấn đề được giải quyết”, Button nói.

Không chỉ phổ biến ở Mỹ, làm việc chung cũng rất thịnh hành ở châu Âu. Trong số các nước châu Âu, Anh là nước thích ứng mạnh nhất với phong trào làm việc chung. Đặc biệt, ở London có rất nhiều văn phòng chung. Thành phố này cũng có nhiều loại hình văn phòng có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều người.

Xu hướng làm việc chung cũng bắt đầu lan sang châu Á, đặc biệt ở các thành phố lớn như Tokyo, Thượng Hải hoặc Hồng Kông. Tại Tokyo, chúng ta có thể tìm thấy hàng chục các văn phòng như thế với đối tượng thuê thường ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40.

Ken Chan, sống ở Hồng Kông, cho biết CoCoon là nơi anh chọn để thành lập công ty mới của mình là trang web thương mại điện tử wholedaybuy.com. “Đến đây, bạn sẽ được những người khác hỗ trợ. Và khi cùng chia sẻ không gian làm việc với họ, bạn cũng cảm thấy ít đơn độc hơn”, anh nói.

Tại Việt Nam cũng có 1 văn phòng loại này, đó là 5Desire Co-working space ở Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là nơi làm việc chung dành cho các doanh nhân, lập trình viên quốc tế.

Các báo cáo nghiên cứu cho thấy, các văn phòng chung đang ngày càng tạo ra nhiều giá trị cộng thêm hơn là ngồi làm việc một mình ở quán cà phê hay làm việc ở nhà. Làm việc chung đã kích thích trí sáng tạo, tạo không khí thoải mái và có nhiều ý tưởng mới được đưa ra.

Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, mặc dù mọi người đang sống và làm việc trong thời đại internet, giao tiếp không dây và email, nhưng làm việc gần nhau vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích thích tinh thần hợp tác và cải tiến.

“Mặc dù làm việc trong các lĩnh vực tương tự nhau, nhưng mọi người lại không cạnh tranh lẫn nhau trong các môi trường làm việc như văn phòng chung. Mọi người đều thấy được thế mạnh riêng của mình và thường khuyến khích học hỏi lẫn nhau và hợp tác làm việc”, Andrea Chen, Giám đốc Điều hành Propeller Incubator, một văn phòng làm việc chung ở New Orleans, nhận xét.

Theo Chen, văn phòng chung là nơi ươm mầm cho rất nhiều mối quan hệ làm ăn và phát triển kinh doanh vì những người cùng làm việc chung đã trở thành khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của nhau.

Trong một báo cáo hằng năm do Deskmag, một tạp chí trực tuyến về làm việc chung, thực hiện, những người làm việc tại các văn phòng chung làm việc tốt hơn, tự tin và sáng tạo hơn.

71% người được khảo sát cho biết họ đã trở nên sáng tạo hơn, 62% cho biết phương pháp làm việc của họ được cải thiện đáng kể và 90% bảo rằng họ cảm thấy tự tin hơn khi làm việc chung với những người khác.

Thậm chí, 70% cho biết họ cảm thấy khỏe hơn là làm việc trong một văn phòng truyền thống. Các con số này là kết quả của việc trở thành một phần của một mạng lưới làm việc có tính hỗ trợ cao, nơi mọi người được tự do chọn người họ muốn cùng làm việc và thời gian làm việc.

Nhận thấy những lợi ích mà nó mang lại, các công ty lớn như AT&T, Zappos, Google cũng đang lên kế hoạch phát triển văn phòng chung.

Chẳng hạn, tháng 3 năm ngoái, Google đã mở một văn phòng chung ở Thành phố Công nghệ tại phía Đông London, gọi là Google Campus. Google Campus giúp các công ty mới thành lập có thể phát triển “dưới cùng một mái nhà” bằng cách hướng dẫn và cho họ cơ hội để học hỏi lẫn nhau qua các sự kiện được kết nối mỗi ngày để ươm mầm cho những ý tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không làm chung vẫn ngồi cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO