Cứ để cho họ khóc!

TRƯƠNG CHÍ DŨNG - Giám đốc R&D, Công ty Le&Associate/DNSGCT| 14/05/2013 01:46

Trong vô số trạng thái cảm xúc ở nơi chốn công sở, tất nhiên có cả chuyện… khóc!

Cứ để cho họ khóc!

Trong vô số trạng thái cảm xúc ở nơi chốn công sở, tất nhiên có cả chuyện… khóc! Mời các bạn cùng theo dõi bài phỏng vấn của cây bút độc lập Alice Andors với nguyên Phó chủ tịch của Nickelodeon – bà Anne Kreamer, tác giả của cuốn sách It’s Always Personal: Emotion in the New Workplace (tạm dịch: Điều này luôn là chuyện cá nhân: Cảm xúc ở nơi làm việc mới) do Nhà xuất bản Random ấn hành năm 2011.

Đọc E-paper

Sau một thời gian nghiên cứu về cảm xúc và các hành vi liên quan ở nơi làm việc cũng như sự khác nhau giữa phụ nữ và nam giới khi gặp căng thẳng, bà đã tổng kết các điều thú vị này trong quyển sách nói trên, từ đó cho thấy một góc nhìn lạ trong lĩnh vực quản lý nhân sự.

*Trước tiên, chúng ta thử nhìn nhận khóc ở nơi làm việc liệu có nên?

- Nước mắt giống như đèn báo hiệu của bộ máy cơ thể, phát ra tín hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Nước mắt nói lên sự thất vọng, giận dữ, buồn phiền, kiệt sức. Đó không phải là một dấu hiệu yếu đuối, mà là nút giải tỏa cảm xúc mạnh nhất của chúng ta.

Theo bà, nhìn nhận của chúng ta về hiện tượng khóc ở nơi làm việc đã có gì thay đổi?

Nó đang tiến hóa. Không còn sự phân biệt giữa đời sống tại nơi làm việc và đời sống ở nhà riêng. Chúng ta làm việc trong xe, ở quán cà phê, ở phi trường, trong khi chờ tính tiền ở siêu thị. Ở nơi làm việc, chúng ta nhận cuộc gọi và lời nhắn từ cha mẹ, con cái, đối tác, còn ở nhà thì nhận cuộc gọi và email từ đồng nghiệp và cấp trên. Điều này luôn tạo ra các cảm xúc và làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về cảm xúc nơi làm việc.

*Tỷ lệ phụ nữ và nam giới khóc ở nơi làm việc có giống nhau?

- Trong nghiên cứu của chúng tôi, có tới 40% phụ nữ nói là họ từng khóc ở nơi làm việc trong năm qua và chỉ có 9% nam giới gặp phải tình trạng tương tự. Điều này cũng khớp với nghiên cứu về mặt học thuật, cụ thể là trung bình, phụ nữ thường khóc nhiều hơn bốn lần so với nam giới trong mọi hoàn cảnh.

* Điều đó có phải do khác biệt về mặt sinh lý học không?

- Chắc chắn rồi! Khi bị căng thẳng, nam giới sản sinh ra testosterone và cortisol. Tuyến nước mắt của họ rộng hơn, do vậy khi khóc, mắt của họ bị tràn và nhòa bởi nước mắt. Còn phụ nữ sản sinh prolactin, loại hormone kích thích nước mắt nhiều hơn nam giới những sáu lần và khi gặp căng thẳng sẽ sinh ra oxytocin, loại hormone “chăm sóc và che chở”. Mặt khác phụ nữ có tuyến nước mắt nhỏ, do vậy nước mắt nhỏ thành giọt. Kết quả là tính theo bình quân, phụ nữ dễ khóc hơn nam giới.

* Khóc ở nơi làm việc có hủy hoại hình ảnh của nam giới nặng nề hơn so với nữ giới?

- Nghiên cứu của tôi nói ra điều ngược lại. Mọi người xem nam giới khóc ở nơi làm việc là người nhiều tình cảm, nặng lòng trắc ẩn. Còn trong phụ nữ với nhau, người này nhìn người kia khóc ở nơi làm việc thì thường xem đó là một thất bại cá nhân hoặc tinh thần có điều bất ổn. Nam giới thấy phụ nữ khóc ở nơi làm việc thì không nghĩ nặng nề như vậy.

* Theo bà, đâu là nguyên nhân chung gây ra tình trạng rơi nước mắt tại nơi làm việc?

- Với phụ nữ, nó thường liên quan đến công việc, ví dụ cảm thấy mình bị đánh giá thấp, bị thất vọng hoặc choáng ngợp. Với nam giới, nguyên nhân thường là một tình huống có cảm xúc bắt nguồn từ ngoài nơi làm việc.

* Bà sẽ làm gì nếu bà sắp khóc ở nơi làm việc?

- Nước mắt hầu như không thể ngăn được khi ở thời điểm phải khóc. Đôi khi, bạn có thể cắn môi hoặc hướng suy nghĩ mình qua hướng khác. Tuy nhiên, hãy cố gắng hiểu lý do gây ra bằng cách đặt câu hỏi vì sao mình giận dữ, vì sao mình bị sốc, vì sao mình bị choáng ngợp?

* Bà có thể cho lời khuyên về điều mà cấp quản lý nên và không nên làm khi bắt gặp nhân viên khóc?

- Hãy đặt sẵn một hộp khăn giấy! Nếu bạn đang đánh giá hiệu quả làm việc kém cỏi của nhân viên và thấy họ bắt đầu khóc, hãy đưa khăn giấy cho họ và nói: “Nào, hãy bình tĩnh suy nghĩ lại đã! Nếu bạn thấy ổn, chúng ta sẽ cùng làm việc, còn không thì ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục”. Nhưng nhớ là bạn cần phải quay lại đúng với vấn đề đang dở dang này.

Hóa ra không phải chỉ có công việc, mà cả những bộc lộ cảm xúc, như chuyện khóc ở nơi làm việc, cũng vẫn thuộc phạm vi mà nhà quản trị doanh nghiệp cần biết đến và biết có cách hành xử đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cứ để cho họ khóc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO