6 xu hướng "tiêu dùng thông minh"

SHERYL CONNELLY - Giám đốc Toàn cầu về Xu hướng và Tương lai của Công ty Ford Motor| 03/03/2016 06:46

Hiểu rõ những xu hướng đang định hình lối sống, cách làm việc và tương tác với thế giới của người tiêu dùng, DN sẽ dễ dàng hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm và thương hiệu trong những năm tiếp theo.

6 xu hướng

Tập đoàn Ford Motor vừa công bố báo cáo thường niên toàn cầu "Vươn xa tầm nhìn cùng Ford" (Looking further with Ford ), trong đó có đề cập những xu hướng ấn tượng đang định hình lối sống, cách làm việc và tương tác với thế giới của chúng ta. 

Đọc E-paper

Dưới đây là bài viết của bà Sheryl Connelly - Giám đốc Toàn cầu về Xu hướng và Tương lai của Công ty Ford Motor - về những xu hướng này. 

1. Lan tỏa tin tốt

Truyền thông đại chúng thường có chiều hướng khai thác quá nhiều tin tức xấu và tiêu cực. Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng nhấp chuột vào những câu chuyện hạnh phúc nhiều hơn. Một nghiên cứu do GS. Jonah Berger thuộc Đại học Wharon thực hiện cho thấy, những thông tin tích cực trên trang tin tức New York Times có khả năng lọt vào danh sách "được gửi email nhiều nhất" hơn là các câu chuyện tiêu cực.

Truyền thông cũng đang nắm bắt xu thế này, mang tới những liều thuốc đem lại sự phấn chấn cho người đọc đang xuống tinh thần. Người đọc có thể truy cập trang Upworthy để tìm cảm hứng, chuyên mục "Tin tốt lành" - Feel -Good News của trang tin Mirror của Anh, "Những tin tức truyền cảm hứng", "Tin vui" của Reddit, hoặc "Chuyện quan trọng thứ Hai: những tin tức tốt, video và chiến dịch tích cực nhất, gây sốt trong tuần trước" của Huffington Post.

2. Tinh thần tự lực: sống nhiều hơn với ít hơn

Tinh thần tự lực ngày càng được chú trọng đã tạo nên tiêu chuẩn mới cho tính mục đích và sự hữu dụng. Từ những ngôi nhà tiết kiệm diện tích, điện thoại thông minh tới những chiếc xe đa dụng, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm hội tụ 3 đặc tính: chất lượng, đa năng và bền bỉ.

Ngày nay, một cuộc sống trọn vẹn hơn không phải là khi ta sở hữu nhiều hơn mà là khi ta biết sống thông minh hơn bằng cách tận dụng tối đa lợi ích của một số ít vật dụng.

Khảo sát của Ford cho thấy, có 75% người Malaysia, 67% người New Zealand, 75% người Philippines, 63% người Hàn Quốc, 74% người Thái Lan và 71% người Việt Nam cho biết: "Khi mua ô tô, tôi có ý định sử dụng chiếc xe ít nhất trong vòng 10 năm".

3. Thiếu thốn thời gian

Ngày nay, sự kết nối mạnh mẽ hơn khiến con người ngày càng hiện diện thường trực trên mạng internet, thời gian dường như ít ỏi hơn bao giờ hết. Ranh giới mờ nhạt giữa văn phòng và gia đình đã hình thành nên một cộng đồng mạng với nhiều lo lắng thường trực khi tìm cách quản lý và giải quyết mọi vấn đề.

Những người tiêu dùng trẻ đặc biệt thể hiện rõ điều này: gần một nửa những người trưởng thành dưới 35 tuổi nói rằng họ cảm thấy bắt buộc phải kiểm tra email kể cả ngoài giờ làm việc.

Có đến 61% số người tham gia khảo sát tại Malaysia đồng tình với ý kiến: "Cập nhật mạng xã hội dần dần giống như một công việc toàn thời gian". Tỷ lệ này ở New Zealand là 45%, Philippines là 59%, Hàn Quốc: 46%, Thái Lan: 81%, Việt Nam: 75%.

4. Công nghệ giúp cuộc sống đơn giản hơn

Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của công nghệ "dịch vụ trọn gói" khi các sản phẩm ngày càng độc lập và nhằm mục đích dự phòng. Với sự hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, người tiêu dùng có thể thuê ngoài những công nghệ có thể tìm hiểu và thích ứng với nhu cầu của mình, điều này đem tới nhiều hy vọng cũng như sự khả thi của một cuộc sống tốt đẹp hơn phía trước.

Trong năm 2016 này, công nghệ phần mềm và kết nối sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới trong ngành công nghệ xe hơi tiến xa hơn và nhanh hơn. Những đối tác phi truyền thống sẽ khai thác được nhiều giải pháp trong ngành, và khách hàng thuộc mọi thế hệ cũng mong đợi công nghệ sẽ giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn.

Quá trình đô thị hóa, việc tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi trong tư duy của khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo nên những giải pháp góp phần thay đổi thế giới.

5. Không lãng phí

Nhiều người sẽ đồng tình rằng xã hội có nghĩa vụ tái sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu lượng rác thải. Điều đó có nghĩa tất cả mọi người đều cần chung tay góp sức, kể cả doanh nghiệp, chính phủ và từng cá nhân. Hiện nay, những nhà sáng chế đang tìm phương pháp sáng tạo hơn để xử lý rác thải - tái tạo giá trị cho những đồ vật bỏ đi.

Xu hướng về việc cam kết phát triển bền vững sẽ đẩy cao giới hạn của cả trí tưởng tượng và tình trạng thiếu hụt tài nguyên. Có 73% người tiêu dùng Malaysia cho biết: "Tôi thường ủng hộ những sản phẩm được làm từ vật liệu có thể tái chế hơn những sản phẩm khác". Tỷ lệ này cũng khá cao tại Philippines (85%), Thái Lan (89%) và Việt Nam (73%).

6. Thâm nhập vào nền kinh tế linh hoạt

Cách thế giới hoạt động đang thay đổi rất nhanh. Sự tăng trưởng của mô hình kinh doanh chia sẻ và hình thức làm việc tự do đang khiến những công việc mang tính "cá nhân" dần trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn. Các mô hình kinh doanh đang thích nghi với việc tối đa hóa nguồn nhân lực một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.

Đồng thời, người lao động cũng đang tìm cách để khiến những khoản đầu tư của mình không trở nên lãng phí, tạo ra giá trị thực tiễn từ những vật dụng chỉ mua một lần như ô tô, nhà cửa...

Tóm lại, trong thế giới đang liên tục thay đổi, doanh nghiệp phải vừa xây dựng nền tảng vững chắc, vừa luôn sẵn sàng bước tới tương lai. Hiểu rõ những điều này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm và thương hiệu trong những năm tiếp theo.

>7 xu hướng tiếp thị nội dung năm 2016

>Xu hướng marketing mới: Content curation

>12 xu hướng marketing Việt Nam trong 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 xu hướng "tiêu dùng thông minh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO