Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của từng ngành không đủ để các doanh nghiệp an tâm.
Thông tin tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục hành chính năm 2014 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tài nguyên – Môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ 4 (sau thuế, quản lý thị trường và an toàn phòng chống cháy nổ) trong giai đoạn 2010 – 2013, nhưng lại chính là lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục hành chính.
Là doanh nghiệp đăng đàn đầu tiên ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest (Hà Nội) thẳng thắn: doanh nghiệp cứ nói, nhưng chắc cũng chỉ để… cho biết thôi.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có thể tháo gỡ một vài mắt xích, như vậy thì không đủ để giảm được thủ tục hành chính trong cả hệ thống”, ông nói khi kết thúc bài phát biểu đã lố giờ – vượt quá 3 phút theo yêu cầu của chủ tọa – mà vẫn chưa liệt kê hết các vấn đề muốn nói.
Khó khăn ở chỗ, theo ông Hiệp, trong chuỗi thủ tục hành chính về đầu tư, thì thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan về đất rất phức tạp và chồng lấn.
“Thủ tục xin cấp phép quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư và thẩm định nhu cầu sử dụng đất gần như giống nhau về nội dung với thủ tục xin ý kiến chấp thuận đề xuất dự án. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ cách nhau 45 ngày với chu trình hỏi ý kiến của cả 6 sở y như nhau! Mặc dù có quy định là nếu sau 15 ngày không có trả lời thì có nghĩa là đống ý, nhưng không thực hiện, trên thực tế sở nào cũng phải đợi ý kiến của sở kia thì mới giải quyết…”, ông Hiệp liệt kê một loạt khó khăn sát sườn.
Mọi việc thậm chí còn rối rắm hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự lên tiếng, “đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia được cuộc đối thoại này để kêu về tình trạng “con gà quả trứng”.
Luật Đất đai chỉ cho phép giao đất, cho thuê đất đối với công ty có vốn đầu nước ngoài, có nghĩa là sau khi nhà đầu tư nước ngoài đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư, khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải chứng minh địa điểm thực hiện dự án bằng các giấy tờ pháp lý liên quan đến địa điểm như hợp đồng giao đất, cho thuê đất của cơ quan quản lý nhà nước.
“Kể cả Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, dù đã mở rộng phạm vi của Luật Đất đai bằng việc đưa thêm thuật ngữ nhà đầu tư nước ngoài và thừa nhận việc cấp chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ và UBND cấp tỉnh, song lại không quy định về thủ tục hành chính, điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài có thể được cấp chủ trương đầu tư”, ông Hưng phân tích.
Đó là chưa tính đến việc không có quy định cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển nhượng các hoạt động đầu tư trên diện tích đất thuê khi quyết định chấm dứt hoạt động trước thời hạn cho dù đây là quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang lách luật bằng cách tạm ngừng hoạt động để chuyển nhượng tài sản trước khi chính thức tiến hành các thủ tục giải thể hay phá sản doanh nghiệp”, ông Quang phân tích tình hình.
Trong bối cảnh này, nghi ngại của ông Hiệp về khả năng tháo gỡ thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như không khí tẻ nhạt của cuộc đối thoại là không khó giải thích.
Vẫn lo thực hiện
Ngay chính Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng phải sốt ruột khi câu hỏi của các nhà đầu tư thì cụ thể mà câu trả lời của các cơ quan hầu hết là viện dẫn các quy định và điệp khúc “sẽ rà soát và công bố” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong cuộc đối thoại không có quá nhiều câu hỏi này, ông Hà đã hơn một lần phải nhắc lại các câu hỏi để cơ quan được giao nhiệm vụ trả lời đúng trọng tâm.
Cho dù vậy, vẫn quá khó để thỏa mãn yêu cầu về sự cụ thể, rõ ràng, minh bạch của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi chỉ có ngành môi trường trong cuộc đối thoại này. Có thể đây cũng là lý do mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) không muốn tiết lộ địa điểm của “ma trận thủ tục hành chính” mà ông đã vẽ lại từ đường đi một dự án đầu tư nhà ở cụ thể.
Trong Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Ban cải cách và hiện đại hóa của Tổng cục Thuế than vãn, dù ngành thuế có cắt giảm mỗi năm chỉ còn một giờ thực hiện thủ tục thuế, thực hiện thủ tục hải quan đi chăng nữa thì tổng số thời gian sẽ vẫn trên 300 giờ một năm nếu cơ quan bảo hiểm xã hội không có động thái tích cực.
“Thứ hạng nộp thuế đã có cải tiến, trước đây là 1.050 giờ, sau đó giảm xuống trên 900 giờ, và hiện nay là 872 giờ. Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu về cách đánh giá, tham vấn chuyên gia để cắt giảm. Chúng ta không thể cải cách đến mức không quản lý gì nữa, chúng ta là nền kinh tế chuyển đổi, thanh toán tiền mặt rất lớn, chưa có kiểm soát thu nhập và tài sản nên quản lý rất khó”, bà Lan Anh nói.
Có lẽ phải nhắc tới kết quả của Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI) – được VCCI thực hiện từ năm 2012 vẫn chưa được công bố. Trong con mắt đánh giá của hơn 8.000 doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường được chấm ở mức điểm trung bình thấp.
So với mức điểm bình quân của các bộ, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường không chỉ ở mức dưới trung bình mà còn thấp hơn khá nhiều trong trách nhiệm về thủ tục hành chính ở địa phương và trách nhiệm về giải quyết vướng mắc ở địa phương.
Mức độ kịp thời xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật của ngành này cũng bị nhìn nhận không cao, tính cả số doanh nghiệp kêu chậm và rất chậm, tỷ lệ là trên 35%; so với mức kịp thời (7%) là rất đáng bàn.
Vẫn biết phải tăng cường cơ chế phối hợp, tính liên ngành trong thực hiện thủ tục hành chính thì mới giải quyết dứt điểm những rào cản mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang phải đối mặt, nhưng sự nỗ lực trong thực thi của từng ngành cũng sẽ thúc đẩy các bước thay đổi này nhanh hơn.
>Đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp FDI
>Doanh nghiệp vẫn gặp khó về thủ tục hành chính
>Hợp chuẩn thủ tục hành chính về đầu tư: “Lối cũ ta về”?
>Thủ tục hành chính - Nỗi khổ của DN