Trong bối cảnh mọi công ty/tổ chức phải đối mặt với nhiều thay đổi phức tạp như ngày nay, sự kiên cường là kỹ năng bắt buộc phải trau dồi thường xuyên đối với mọi nhà lãnh đạo.
Sau hơn 30 năm làm việc cùng các nhà lãnh đạo cấp cao để giúp họ vượt qua nhiều biến động đa dạng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, Ron Carucci – nhà đồng sáng lập và đối tác quản lý (managing partner) của Công ty tư vấn tổ chức và tư vấn lãnh đạo Navalent, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy – đã tìm ra một số chiến lược hiệu quả giúp các nhà lãnh đạo củng cố sự kiên cường cho bản thân.
Cụ thể, trong một bài viết trên Harvard Business Review, Carucci cho biết, những chiến lược này bắt nguồn từ một nghiên cứu về 167 nhà lãnh đạo, cho thấy, những nhà lãnh đạo kiên cường nhất là những người hiểu rõ về bản thân, về thế mạnh, niềm tin cũng như điểm yếu của mình.
Theo Ron Carucci, dưới đây là 4 cách để củng cố sự kiên cường thông qua sự thấu hiểu bản thân một cách sâu sắc:
1. Trung thực với chính mình
Tôi từng làm việc với một khách hàng là nhà điều hành cấp cao của một công ty. Ông cần thông báo với mọi người về thông tin đóng cửa một số nhà máy để cải thiện hoạt động chung. Vì sợ những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra trong tổ chức, ông đã trì hoãn việc thông báo trong nhiều tuần. Vấn đề cốt lõi của nỗi sợ này là ông tin mình không có đủ khả năng để giải thích về quyết định này hoặc không thể chống lại sự “oán giận” của những người đã trung thành với công ty trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên thực tế là, sự trung thành của nhân viên đã khiến họ tin tưởng ông. Và kế hoạch tỉ mỉ của ông về định hướng trong tương lai cũng đã ngăn chặn hiệu quả bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Nghĩa là, sự lo lắng về quá trình thay đổi đó đã khiến ông không thể có một cái nhìn khách quan về sức mạnh của bản thân mình.
Các nhà lãnh đạo kiên cường luôn nhìn nhận trung thực về những kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân, giúp họ chuẩn bị tinh thần thật tốt khi đối diện với khó khăn. Họ bù đắp những thiếu sót của mình bằng cách tận dụng kỹ năng của những người khác, và tự trang bị cho mình những điều kiện tốt nhất có thể. Điều quan trọng là họ sẵn sàng thừa nhận về những thiếu sót này chứ không tìm cách giấu giếm chúng đi.
2. Kiềm chế những cảm xúc tiêu cực
Khi đối diện với sự căng thẳng đến từ những biến đổi lớn trên thị trường, khả năng chịu đựng của các nhà lãnh đạo thường dễ bị bào mòn. Các nhà lãnh đạo không ý thức đầy đủ về sức ảnh hưởng hành vi của mình có xu hướng gây căng thẳng cho bất kỳ ai xung quanh. Họ không biết rằng những cảm xúc, phản ứng tiêu cực đó sẽ làm cạn kiệt sức sống của công ty/tổ chức.
Ngược lại, những nhà lãnh đạo có sự hiểu biết mạnh mẽ về bản thân có khả năng này hạn chế những loại cảm xúc này, họ biết cách dừng bản thân lại trước khi làm tổn thương người khác. Họ tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát.
3. Phản bác những kỳ vọng không thực tế thay vì cố gắng đáp ứng
Những kỳ vọng phi thực tế thường đến kèm với những thay đổi lớn. Những kỳ vọng này thường xuất phát từ những người có sức ảnh hưởng lớn khác, chẳng hạn như hội đồng quản trị. Nếu thiếu sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, các nhà lãnh đạo sẽ chuyển áp lực của những kỳ vọng đó lên nhân viên, đồng thời mang cảm giác giận dữ vì mình là… nạn nhân.
Vì không kiểm soát được sự thay đổi, họ thường cho rằng: “Tôi biết điều đó không công bằng, giống như chúng tôi sắp bị dẫn đường đến thất bại, nhưng chúng là những kỳ vọng mà chúng tôi phải đáp ứng”.
Những nhà lãnh đạo giỏi không sợ phản ứng lại với người khác, bao gồm cả ông chủ lẫn khách hàng, để thương lượng lại về những mục tiêu và thời hạn khi nhận thấy chúng bất hợp lý. Với một lý do rõ ràng cùng với dữ liệu hỗ trợ, họ đưa ra lập luận lý giải tại sao những kỳ vọng đó là phi thực tế, những rủi ro có thể xảy ra nếu không điều chỉnh lại chúng và đề xuất các lựa chọn thay thế giúp tổ chức có cơ hội thành công cao hơn.
Họ làm những điều này với mục đích rõ ràng là giúp những người có kỳ vọng chưa phù hợp điều chỉnh lại quan điểm trước khi đối mặt với một thất bại lớn. Họ củng cố sự kiên cường cho bản thân và cả đội ngũ khi đối diện với sự thay đổi hoặc những thử thách mà họ tin rằng mình có thể vượt qua.
4. Nhận ra mình đang rơi vào trạng thái hỗn loạn và quay lại với những nguyên tắc cốt lõi đầu tiên
Khó khăn kéo dài hoặc sự thay đổi diễn ra liên tục dễ dàng “đánh gục” nhiều nhà lãnh đạo ngoan cường nhất, khiến họ cảm thấy nản chí, có xu hướng chuyển sang kiểu quản lý theo “chế độ tự động” chỉ nhằm mục đích đối phó. Vấn đề là sự mơ hồ trong cách quản lý đó dễ khiến những người xung quanh tắt dần hy vọng và ngừng nỗ lực theo.
Một trong những khách hàng của tôi từng đứng trên bờ vực nghỉ việc. Bà là người lãnh đạo bộ phận R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của một công ty dược phẩm lớn và đang phải đối mặt với một chu kỳ phát triển sản phẩm nhanh chóng, song song đó là văn hóa lãnh đạo tập trung quá nhiều vào sự cạnh tranh của các nhà điều hành khác. Sau 2 năm cố gắng xây dựng văn hóa công ty từ kiểu cạnh tranh sang xu hướng chia sẻ thành công, bà cảm thấy như đã đến lúc phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, niềm đam mê đem đến những loại thuốc hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân giúp bà vượt qua được cảm giác mệt mỏi trong “cuộc chiến” đó. Cuối cùng, bà quay lại tập trung vào tầm nhìn cốt lõi này và giúp những nhà lãnh đạo khác thay đổi quan điểm cũ “nếu tôi muốn thắng, bạn phải thua” thành cách tiếp cận "win-win" (cả hai cùng thắng).
Những nhà lãnh đạo kiên cường sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để tiến về phía trước và tạo cảm hứng cho những người xung quanh cảm thấy muốn đồng hành trên hành trình đó cùng họ.