UBND TP.HCM vừa chính thức phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu. Theo đó, khu trung tâm sẽ rộng 930ha, bao gồm một phần các quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh. Dân số khu trung tâm dự kiến đến năm 2020 là khoảng gần 250.000 người. Ngoài việc phân khu chức năng để giữ và tạo hồn đô thị, TP.HCM chủ trương phát triển mạnh không gian ngầm.
Năm phân khu
Theo sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, khu trung tâm sẽ được chia thành năm phân khu chức năng chính. Cụ thể, phân khu 1 sẽ là khu trung tâm có chức năng thương mại – tài chính (CBD), đây cũng là khu vực lõi trung tâm kinh doanh thương mại.
Mục đích của việc phát triển phân khu này là tạo sự cân bằng giữa bảo tồn những giá trị cảnh quan lịch sử với phát triển chức năng đô thị mới của trung tâm.
Với mục đích này, tầng cao công trình quanh những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, như trụ sở UBND thành phố, nhà hát thành phố và chợ Bến Thành, phải được kiểm soát nghiêm ngặt để có thể giữ gìn cảnh quan lịch sử.
Ngoài ra, có thể cho phép phát triển mật độ cao tại các khu vực gần nhà ga UMRT (vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao) và công trường Mê Linh.
Phân khu 2 sẽ tập trung các công trình có chức năng văn hoá – lịch sử, là trục trung tâm văn hoá lịch sử, quanh trục đường Lê Duẩn. Hiện tại phân khu 2 đa số là các khu đất xây dựng mật độ thấp, bao gồm công viên, trường đại học, công trình văn hoá, hành chính, tôn giáo và bệnh viện.
Do vậy, để gắn kết quy mô và tính lịch sử của công trình và cảnh quan, sẽ giữ mật độ xây dựng thấp và vừa để người dân có thể cảm nhận được một không gian rộng mở thoáng đãng với đầy cây xanh của trục đường Lê Duẩn.
Phân khu 3 tập trung phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4.
Quy hoạch sẽ tận dụng ưu thế của bờ sông, hình thành dải công viên văn hoá, giải trí và không gian công cộng dọc bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận. Đảm bảo sự tiếp cận của người dân thành phố đến toàn bộ khu vực cây xanh không gian dọc bờ sông.
Phân khu 4 là khu dân cư hiện hữu. Đặc trưng cảnh quan đường phố tại phân khu này được tạo ra bởi những công trình lịch sử khu vực có nhiều biệt thự từ thời Pháp.
Do đó, chiều cao và mật độ xây dựng các công trình trong khu biệt thự cần được kiểm soát ở mức thấp hoặc vừa phải. Đặc biệt, ở phía tây khu vực còn nhiều công trình biệt thự cổ, chiều cao sẽ được kiểm soát chặt chẽ nhằm giữ được không gian kiến trúc cảnh quan hiện hữu cho khu vực, là một không gian thấp tầng.
Phân khu 5 là khu vực kế cận phân khu 1 về phía nam, phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ khu trung tâm thương mại – tài chính.
Trong khu lân cận sẽ cho phép phát triển công trình cao tầng ở các vị trí gần với nhà ga Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé, và đoạn nối dài của đường Nguyễn Thái Học sang quận 4, với chức năng văn phòng và thương mại.
Đặc biệt, với các ô phố gần nhà ga Bến Thành – nơi tập trung bốn tuyến UMRT, xe buýt và BRT (vận tải buýt nhanh) – sẽ cho phép chiều cao tối đa công trình hơn 200m. Mặt khác, ở các ô phố phức hợp và có chức năng ở, chiều cao tối đa được kiểm soát để tương xứng với các công trình hiện hữu.
Phát triển không gian ngầm
Đã đến lúc không gian ngầm không còn là nơi chứa ống nước (trong ảnh: phối cảnh bãi xe ngầm công viên Lê Văn Tám) |
Cụ thể như bên dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát thành phố sẽ là đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm. Bên dưới đường Nguyễn Huệ, giữa ga Nhà hát thành phố và đường Tôn Đức Thắng làm đường bộ, bãi đậu xe và trung tâm mua sắm. Không gian ngầm bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm.
Không gian bên dưới công viên 23.9 sẽ được làm đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và công trường Mê Linh sẽ làm bãi đậu xe và trung tâm mua sắm.
Ngoài ra còn các dự án đang được xem xét, triển khai như bãi xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân thể thao Hoa Lư…
Trong phân khu 1 còn có tổng cộng bảy nhà ga metro ngầm sẽ được xây dựng, gồm hai nhà ga của tuyến số 1, hai nhà ga của tuyến số 2, hai nhà ga của tuyến số 3A và một nhà ga của tuyến số 4. Tuyến BRT sẽ được bố trí trên đường Hàm Nghi, chạy từ khu bờ tây sông Sài Gòn thuộc quận 4, nơi không có tuyến UMRT.
Như vậy, trước chợ Bến Thành, bên cạnh nhà ga xe buýt hiện hữu, còn có các nhà ga UMRT và BRT, tạo thành một khu vực ga giao thông công cộng quan trọng nhất của phân khu 1 cũng như của TP.HCM.
Cuối cùng, nhà ga xe buýt sẽ được bố trí dưới công viên 23/9 và đường Hàm Nghi theo dự án xây dựng cải tạo công viên này.
Phân khu 2 cũng có ba tuyến tàu điện ngầm là tuyến số 3 đi dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai với ba nhà ga; tuyến số 4 đi từ đường Hai Bà Trưng lên nhà ga Bến Thành; tuyến số 2 đi dưới đường Cách Mạng Tháng Tám tới nhà ga Bến Thành.
Phân khu 3 cũng sẽ có hai nhà ga ngầm được quy hoạch cho tuyến số 1 và số 5. Tuy nhiên, do các tuyến UMRT đã duyệt không phủ kín được toàn bộ phân khu 3 nên tuyến LRT (vận tải đường sắt hạng nhẹ) và BRT được đề xuất cho những nơi mà tuyến UMRT không đi tới.
Tuyến LRT được bố trí nối dài thêm tuyến LRT đi từ công trường Mê Linh sang khu Tân Cảng và sẽ còn tiếp tục (tuyến LRT được duyệt đi từ công trường Mê Linh đến quận 6). Tuyến BRT đi từ chợ Bến Thành sang quận 7 qua đường Nguyễn Tất Thành.
Trong phân khu 4 cũng có các tuyến tàu điện ngầm số 2, 3, 4 lần lượt chạy dưới các đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai và Hai Bà Trưng.
Nhà ga ngầm Bến Thành nằm ở phía bắc của phân khu 5 tương lai sẽ là một đầu mối giao thông rất lớn. Các tuyến tàu điện ngầm số 2, 3A và 4 từ nhà ga Bến Thành cũng tiếp giáp với khu vực. Ba nhà ga ngầm sẽ được bố trí trong khu vực này.