![]() |
Hơn 50% lượng giày, dép đang bán trên thị trường nội địa được nhập khẩu, đó là chưa kể một nửa thị phần còn lại cũng đang bị chia bởi các doanh nghiệp (DN) ngoại. Ở thế cùng đường nên nhiều DN trong nước đã nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn bán.
Hàng ngoại: 5 đánh 1Doanh nghiệp giày dép nội địa đang chịu sức ép rất lớn
Theo thống kê của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Lefaso (tên cũ là Hiệp hội Da giày Việt Nam), sức mua tại thị trường giày dép nội địa ngày càng gia tăng. Ở phân khúc cao cấp, thị trường đang thuộc về các thương hiệu ngoại như: Timberland, Nike, Adidas, Nine West, Dull, Next..., được bày bán với nhiều kiểu dáng đẹp, màu sắc rất phong phú.
Trong khi đó, ở phân khúc trung bình và cấp thấp, khoảng 50% thị phần còn lại phải nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Singapore và Trung Quốc.
Theo đó, dòng sản phẩm cấp thấp, trung bình và hàng “không thương hiệu” của Trung Quốc có mặt khắp nơi, từ sạp chợ cho đến các cửa hàng giày dép. Đặc biệt, tại thị trường nông thôn, giày dép Trung Quốc càng có chỗ đứng hơn về số lượng, chất lượng, mẫu mã lẫn giá cả.
Hiện có trên 800 DN Việt góp mặt trên thị trường giày dép nội địa, song, hầu hết sản phẩm tiêu thụ là do các cơ sở tư nhân sản xuất hoặc giày dép dư thừa không xuất khẩu được của các DN trong ngành. Do đó, đã xảy ra tình trạng không đọ nổi sức cạnh tranh ở phân khúc trung bình, cấp thấp, hàng không thương hiệu.
Còn ở phân khúc cao cấp thì đành ngậm ngùi nhường cho các thương hiệu ngoại, mặc dù các sản phẩm này được sản xuất, gia công tại Việt Nam, sau đó xuất đi và tái nhập theo kênh phân phối của các thương hiệu lớn.
Đó là chưa kể nhiều DN kinh doanh giày, dép Việt Nam cũng “vô tư” đặt hàng do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất rồi phân phối dưới nhãn mác thương hiệu Việt. Không ít sản phẩm như thế này được bày bán tại các cửa hàng giày, dép thời trang như Thy Thy, Hồng Thạnh, Hạnh Dung... do mẫu mã đẹp và giá cả cạnh tranh.
Thừa nhận tình trạng này, bà Vưu Lệ Quyên, Phó tổng giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty Bình Tiên (Biti’s), chia sẻ, không chỉ có các cơ sở sản xuất giày, dép nhỏ lẻ, Biti’s cũng gặp rất nhiều khó khăn do áp lực từ phía hàng Trung Quốc.
Bởi lợi thế của hàng Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam là không cần phải đóng thuế, trong khi các DN trong nước thì phải chịu rất nhiều khoản thuế, do đó đã đẩy giá thành của hàng sản xuất trong nước tăng cao.
“Vì lợi thế đó nên khi phân phối hàng Trung Quốc luôn có lợi nhuận cao hơn so với hàng Việt, điều này đã tạo rào cản làm cho ngành giày, dép Việt Nam không phát triển mạnh được. Mặt khác, mẫu mã giày, dép Việt Nam không phong phú nên cũng khó so sánh với hàng Trung Quốc”, bà Quyên nói.
Xỏ giày ra sân
Năm 2011, lượng giày, dép được tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 138 triệu đôi, trong đó, giày nữ gần như ở thế yếu. Hiểu được thực trạng này, nhiều thương hiệu giày, dép đã bắt đầu thay đổi lại hệ thống kinh doanh.
Những thương hiệu giày Việt được người tiêu dùng biết đến như: Vina Giầy, T&T, Biti’s, Bita’s, Thượng Đình, Asia Shoes, Hồng Thạnh... cũng như các cơ sở sản xuất tại các làng nghề da giày bắt đầu quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu riêng và nhãn hiệu tập thể, với mong muốn bảo vệ sản phẩm làng nghề và quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Giày Tuấn Việt (DN chuyên xuất khẩu giày sang thị trường Mỹ, châu Âu và đang chuẩn bị phát triển thị trường nội địa vào tháng 9/2012 tới đây), cho biết: “Mặc dù có thế mạnh ở lĩnh vực xuất khẩu, nhưng với thị trường nội địa chúng tôi cũng hết sức thận trọng, vì sân chơi trong nước cam go và rất khó chứ không hề dễ dàng”.
Theo ông Tắc, để chuẩn bị cho cửa hàng nội địa đầu tiên, Tuấn Việt đã phải nghiên cứu rất kỹ từ thị hiếu khách hàng, mẫu mã, chất lượng, giá cả sản phẩm đến vị trí đặt cửa hàng... DN đã có kinh nghiệm dày dặn như Biti’s cũng bắt đầu chọn hướng đi mới.
Theo bà Vưu Lệ Quyên, DN Việt Nam vẫn còn cách cứu vãn là đầu tư về mặt chất lượng, bởi hàng Trung Quốc hầu như có chất lượng không cao. Các DN Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm.
Đồng tình với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch nhiệm kỳ V của Lefaso, cho biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm là yếu tố sống còn đối với hoạt động DN.
Do đó, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, DN cần phải có chiến lược marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu bài bản. Bởi, với thị phần giày, dép chưa đến 50% mà các DN Việt đang nắm giữ, xem ra “cuộc chiến” giữa các DN Việt và đối thủ ngoại sẽ còn cam go trong thời gian tới.