Giao thông TP.HCM: Giao thông kết nối, vì sao chậm?

Thảo Minh| 26/05/2021 04:04

Phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 13/5/2021, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: "TP.HCM là khu vực có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nhưng giao thông luôn tắc nghẽn. Do đó, nếu các dự án hạ tầng giao thông sớm hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển mới cho Thành phố và cùng với đó tái cấu trúc lại đô thị, dân cư của vùng".

Giao thông TP.HCM: Giao thông kết nối, vì sao chậm?

Phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM cần cả tiền và chính sách

Đột phá phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030, với mục tiêu đồng bộ và mở rộng không gian phát triển kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bổ dân cư. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn với những giải pháp đồng bộ.

La liệt dự án

Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030" đã được UBND TP.HCM phê duyệt gồm 639km đường bộ; 78 dự án cầu; 18 dự án nút giao thông; 32 dự án giao thông tĩnh; 5 dự án thuộc chương trình đô thị thông minh; 211,9km đường sắt đô thị, BRT; 379km đường thủy nội địa... trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng gồm 5 tuyến đường liên vùng, một số cây cầu qua sông và một số công trình giải tỏa ách tắc cho các đầu mối giao thông là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái... 

Riêng quy hoạch cảng biển, UBND TP.HCM đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp mở rộng và nghiên cứu chuyển đổi công năng đối với một số khu cảng trên sông Sài Gòn, từ bến Tân Thuận Đông đến bến Cảng ELF Gas Sài Gòn, khu bến Tân Thuận của cảng Sài Gòn, phát triển cầu cảng, kho bãi, ứng dụng công nghệ tại cảng Cát Lái và mở rộng khu cảng biển này để phục vụ cho tàu biển trọng tải đến 30.000DWT, phát triển thêm khoảng 600m cầu cảng tại khu đất tiếp giáp bến cảng Tân Cảng, Phú Hữu quận 9 về phía hạ lưu...

Cùng với đó, nhiều dự án giao thông kết nối cảng biển, sân bay khu vực Đông Nam Bộ với các vùng cũng được xây mới, mở rộng như mở rộng nút giao thông Mỹ Thủy, đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, đường Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... xây dựng  mới cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái, đường Vành đai 3, khởi công Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các dự án kết nối sân bay Long Thành với các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, hai tuyến đường sắt đô thị... Song song với đề án thành lập thành phố Thủ Đức đã được thông qua, các dự án lớn về hạ tầng cũng được TP.HCM đề xuất xây mới như Vành đai 2, nút giao An Phú, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, quốc lộ 13...

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, năm 2020 chỉ tính riêng khối xây dựng công trình giao thông đường bộ đã đưa vào sử dụng 14 cầu, làm mới 9,57km và nâng cấp mở rộng khoảng 30km đường. Nhiều dự án nằm trong đề án đã hoàn thành, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đô thị như dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám, quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dự án khu vực cảng Cát Lái, hầm chui An Sương, đường Vành đai phía Đông, Tô Ký, Trần Văn Giàu, cầu Phước Lộc, cầu An Phú Đông, cầu vượt thép tại vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao ngã sáu Gò Vấp...

cau-vuot-3066-1621995929.jpg

Nhưng... vẫn nằm chờ

Mặc dù đã có nhiều dự án được triển khai hiệu quả, thay đổi được bộ mặt giao thông đô thị, cũng như giải quyết được một số tuyến đường trọng điểm ùn tắc, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều dự án đang bị tắc nghẽn hoặc... ì ạch, dang dở. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên địa bàn thành phố, nhất là các tuyến đường "huyết mạch" từ bốn cửa ngõ vào Thành phố vẫn còn nan giải. 

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện còn 22 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, do thiếu vốn và mặt bằng nên nhiều dự án vẫn phải nằm... chờ. Hiện nguồn vốn cho hạ tầng giao thông giai đoạn từ năm 2015-2020 hơn 50.000 nghìn tỷ, trong đó chi phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chiếm đến 50%. Đơn cử tại khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều dự án dù được phê duyệt, có kế hoạch triển khai từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn "án binh bất động" vì... vướng mặt bằng. 

Hay như dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Tân Sơn, dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc thành phố Thủ Đức) được thi công từ 5 năm qua nhưng mới chỉ hoàn thành hơn 70%, dự án nút giao Mỹ Thủy được kỳ vọng giải quyết bài toán ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái vẫn trong tình trạng án binh bất động. Cầu Nguyễn Khoái (nối quận 7, 4 và 1) cũng chưa thực hiện được do UBND quận 4 lo ngại gây phát sinh thêm điểm ùn tắc mới. Còn nếu thực hiện theo dự án cầu vượt từ đường D1, quận 7 (dự án khu dân cư Him Lam Kênh Tẻ) đến quận 1 và có nhánh rẽ xuống quận 4 thì kinh phí tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với trước.

Tương tự, nhiều dự án trọng điểm như mở rộng quốc lộ 13, 1A, 22 cũng vẫn chậm trễ do khâu giải phóng mặt bằng, nút giao thông An Phú (quận 2) dự kiến dùng nguồn vốn dư từ dự án cao tốc để đầu tư với kỳ vọng giảm ùn tắc tại giao lộ giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với các tuyến đường khác nhưng khi thực hiện gặp khó khăn về bố trí vốn...

Đặc biệt, hai tuyến đường quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đường Vành đai 3 và Vành đai 4 hiện tiến độ thực hiện vẫn quá chậm, ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 13/5/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng phát biểu: "Bên cạnh các thuận lợi, thế mạnh có được, TP.HCM đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm của Thành phố đang trong tình trạng dở dang do thiếu vốn và không có mặt bằng để thi công, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế nên Thành phố chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".

-----------------------------

Ong-Le-Dang-Doanh-8478-1621995929.jpg

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: "Cần bổ sung nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài"

"TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn nhất vào ngân sách cả nước và đi đầu trong cải cách kinh tế nhưng còn phát triển dưới tiềm năng, chưa phát huy đầy đủ các lợi thế và nhân tố tăng trưởng. Tình trạng đó có nhiều nguyên nhân, có những hạn chế về cơ chế như huy động quá nhiều từ nguồn thu ngân sách tại Thành phố hay những rào cản về đất đai, tài chính... đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, hệ thống. Hạ tầng cơ sở yếu kém là một trong những hạn chế đó. Để cải thiện, cần có dự báo về kịch bản phát triển, giải pháp toàn diện, trong đó có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin chuyển sang kinh tế số, giao thông bằng xe chạy điện... huy động các nguồn vốn khác nhau từ xã hội.

Việc nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố từ 18% lên 23% là một biện pháp quan trọng, song cần bổ sung bằng các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài vào mạng lưới điện, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực chất lượng cao... Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng cũng nên huy động từ khu vực tư nhân vào một số công trình có thể thu phí. Ví dụ như cầu vượt có thể thu phí, hệ thống nạp điện cho ô tô chạy điện...

(H.Nga ghi)

(Bài 2:Chậm ngày nào, thiệt ngày đó)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao thông TP.HCM: Giao thông kết nối, vì sao chậm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO