Sách được chia làm 3 phần. Trong phần 1 - Nguồn gốc (chương 1 - 6), Tim Smedley dẫn dắt người đọc qua 3 ví dụ lịch sử: trận “Đại sương mù” ở London năm 1952 khiến khoảng 12.000 người chết; "Airpocalypse" ở Bắc Kinh năm 2013 mà trong đó, bệnh viện phải xử lý 7000 ca nhập viện mỗi ngày; và Delhi, nơi vào năm 2017 các thành viên hoàng gia thậm chí không nhìn thấy vệ sĩ của họ dưới bầu trời mù mịt không khí bẩn.
Ở phần 2 (chương 7-10) có tên gọi Sự đáp trả, Tim kể những câu chuyện đầy cảm hứng về cách các thành phố như Bắc Kinh đã giảm đáng kể ô nhiễm không khí từ khi chính quyền và người dân quyết tâm hành động.
Ở phần kết, tác giả nêu cụ thể những gì con người cần làm để cải thiện bầu khí quyển. Trên thực tế, phần lớn các chất gây ô nhiễm không khí là cục bộ, tồn tại trong thời gian ngắn và có thể dừng tại nguồn; cuộc chiến chống lại nó, vì thế, cũng đang mang lại hiệu quả tức thì và tích cực. Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp để giành lại bầu không khí sạch.
Giành lại không khí sạch (tiếng Anh: Clearing the Air) từng lọt vào danh sách rút ngắn giải Royal Society Science Book Prize 2019 - tôn vinh các quyển sách khoa học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền cảm hứng và giải trí.
Tập tư liệu công phu nhưng gần gũi
Giành lại không khí sạch là một công trình nghiên cứu đồ sộ của tác giả Tim Smedley về vấn đề ô nhiễm bầu khí quyển. Ông đi ngược về quá khứ, tìm hiểu gốc rễ nguyên nhân của các tác nhân gây hại; đi sâu vào từng lĩnh vực sinh – hóa, thu thập tư liệu về thành phần cấu tạo của hạt bụi, chúng gây nên những ảnh hưởng cụ thể thế nào lên sức khỏe con người; ông còn đi rộng ra khắp 4 châu, phỏng vấn các nhà khoa học, chính trị gia và những người có cuộc sống bị tác động bởi khói bụi để hoàn thiện tác phẩm đầu tay nhiều tâm huyết.
Quyển sách dày cộm các thông tin khoa học, số liệu được kiểm chứng về bầu khí quyển mà tác giả thu thập được. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đây là một quyển sách khô khan, khó tiếp cận với bạn đọc đại chúng. “The author lives in the 'real world,' breaths the same air as the rest of us, and writes like a normal person, NOT an academic. This story is worth reading.” – trích một bình luận 5 sao dành cho quyển sách trên trang Amazon. (Tạm dịch: Cuộc sống trong quyển sách là thật. Tác giả hít thở chung một bầu không khí với chúng ta, và viết như một người bình thường muốn chia sẻ câu chuyện của ông, chứ không với tư cách một học giả)
Câu chuyện của Giành lại không khí sạch có sự gần gũi khi người đọc có thể tìm thấy bản thân, cộng đồng của xung quanh trong xuyên suốt những trang sách. Tim kể về những gì ông chứng kiến, trải qua khi đi khắp các cực ô nhiễm nhất của thế giới. Qua ngòi bút của Tim Smedley, quyển sách dày cộm các tư liệu khoa học trở nên dễ đọc, dễ tiếp cận, ông đã kể một câu chuyện truyền cảm hứng thông qua những con số.
Nêu vấn đề nhạy cảm một cách trực diện
Tác giả Tim Smedley. Ảnh: Air Quality News |
Là nhà báo đấu tranh miệt mài cho môi trường bền vững, Tim Smedley đối diện với các vấn đề nhạy cảm một cách trực diện, thẳng thắn. Thứ ông chống lại không đơn thuần là ô nhiễm không khí, mà còn là sự thờ ơ, bảo thủ của chính quyền, lòng tham không đáy của ngành công nghiệp phát thải. Một cách không e dè, tác giả lên án các chính sách tồi, những nhà nước không minh bạch trong số liệu về ô nhiễm. Ông cũng không bỏ qua bê bối của Volkswagen khi tạo ra những “cỗ máy” kiếm tiền bằng cách đánh đổi môi trường sống trong lành. Năm 2015, doanh nghiệp này bị phát hiện làm sai lệch dữ liệu khí thải từ các xe chạy diesel để gian lận.
Điều đáng mừng là không chỉ mỗi Tim Smedley là người cất tiếng. Tác giả dẫn dắt người đọc gặp gỡ những người đang ngày ngày cố gắng tạo ra sự thay đổi lâu dài cho cộng đồng. Từ lâu trước khi ta bắt đầu nhận thức được tác hại của ô nhiễm, họ đã ở đó và hành động. Trong đó ấn tượng nhất là cuộc gặp của Tim và Kate Logan, làm việc cho Viện Công vụ & Môi trường (IPE) - tổ chức phi lợi nhuận về môi trường độc lập đầu tiên của Trung Quốc.
Khi Bắc Kinh giấu nhẹm các đo lường về ô nhiễm, việc tiếp cận các con số thống kê đúng, chính xác về bầu khí quyển là xa xỉ với người dân nơi đây. IPE trở thành tổ chức tiên phong, giúp người dân hiểu “lớp màn ngày càng xám xịt trên bầu trời” không đơn thuần là lớp sương mù vô hại. Kết quả, cả chính quyền lẫn người dân Bắc Kinh cùng “thức tỉnh”, chung tay xây dựng nên một thành phố trong lành, đáng sống hơn nhiều chỉ trong 5 năm kể từ khi “Airpocalypse - Ngày tận thế” xảy ra. Trong phần cuối cùng của quyển sách, tác giả nêu ra hai bản thiết kế mẫu kế hoạch chi tiết: giành lại không khí sạch cho thành phố và giành lại không khí sạch cho chính bạn. Nói khác đi, để thực sự giành lại được không khí sạch, không chỉ bạn phải thay đổi hành vi, mà các nhà hoạch định chính sách cũng phải thay đổi.
Thẳng thắn đối với những vấn đề nhạy cảm. Tim Smedley, thông qua Giành lại không khí sạch, chỉ ra: Thừa nhận bạn có vấn đề là một bước quan trọng để giải quyết nó.
Dịch giả tâm huyết
Tham gia chuyển ngữ cho quyển sách có dịch giả Ngụy Thị Khanh - người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Môi trường Goldman - giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường. Chị Khanh đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam, được bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất tới việc thay đổi chính sách khí hậu toàn cầu. Những nỗ lực của chị đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.
Với vị trí Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), chị Khanh còn là diễn giả quen thuộc trong các chương trình, tọa đàm về môi trường, khí hậu. Dịch giả của quyển Giành lại không khí sạch được cộng đồng yêu mến, vinh danh như một người tiên phong, một “anh hùng của những thay đổi xanh” trong nước. Quyển sách được chị Khanh chuyển ngữ bằng nền kiến thức vững và cả tâm huyết vớimong muốn kiến tạo nên một bản Việt ngữ hoàn chỉnh, thúc đẩy những động lực giành lại không khí sạch.
Tim Smedley là nhà báo và tác giả tâm huyết về vấn đề môi trường, từng viết cho Financial Times, Guardian, The Sunday Times, New Scientist, BBC. Năm 2014, ông chuyển đến Oxfordshire sau 10 năm sống ở London vì các vấn đề về ô nhiễm khí quyển. Giành lại không khí sạch là quyển sách đầu tay của anh. |