Quốc tế

Giảm phát ở Trung Quốc ngày càng khó giải quyết?

PV 17/02/2024 20:44

Nhiều nhà quan sát dự đoán vào năm 2023 rằng, tình trạng giảm phát ở Trung Quốc sẽ không kéo dài. Tuy nhiên từ đầu năm 2024 tới nay, vấn đề dường như nan giải hơn dự kiến.

Theo Nikkei Asia, để đối phó tình trạng giảm phát, tới nay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa có hành động quyết liệt, phần lớn chỉ nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản những năm 1990.

trung-quoc-chung-kien-tinh-trang-giam-phat-trong-thoi-gian-gan-day-anh-cnn.jpg
Kinh tế Trung Quốc chứng kiến tình trạng giảm phát trong thời gian gần đây - Ảnh: CNN

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc đang giảm với tốc độ nhanh nhất từ năm 2009. Cách tiếp cận thận trọng của Ngân hàng Trung ương đang ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, khủng hoảng tài sản ngày càng sâu sắc và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao kỷ lục. Tình huống này, phản ứng thận trọng của Ngân hàng Trung ương, được cho là mang đến không ít rủi ro.

Lý do có thể vì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chưa thực sự độc lập như các Ngân hàng Trung ương phương Tây. Các lãnh đạo chính trị muốn đồng nhân dân tệ ổn định. Hạ lãi suất mạnh có thể tạo ra những hành vi khó kiểm soát, cản trở nỗ lực giảm đòn bẩy ở nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Quá trình đi xuống niềm tin của nhà đầu tư, có thể nhìn thấy qua việc sụt giảm gần 7 nghìn tỷ USD giá trị chứng khoán Trung Quốc từ năm 2021.

Theo một số chuyên gia, sự im lặng kỳ lạ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đặc biệt khi giá tiêu dùng ở nước này tháng 1/2024 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá sản xuất giảm 2,5%. Giảm phát tại cổng nhà máy là trở ngại ngày càng lớn với những hãng sản xuất nhỏ, khi đối mặt cuộc chiến giá khốc liệt.

Tác động dây chuyền từ giảm phát có thể rất sâu sắc. Khi các nhà xuất khẩu gặp khó khăn, họ sẽ không tạo thêm việc làm, không giúp giảm bớt thất nghiệp ở thanh niên. Người lao động không được tăng lương, gây bất lợi cho tăng trưởng dựa vào tiêu dùng.

Điều này cũng ảnh hưởng đến thu thuế tại các tỉnh thành. Nợ của chính quyền địa phương hiện nay đã lên đến gần 9.000 tỷ USD.

Kế hoạch tăng cường an sinh xã hội nhằm khuyến khích người dân chi tiêu, tiết kiệm ít hơn, và sinh con nhiều hơn, vẫn gặp khó khăn trong triển khai. Bài học từ Nhật Bản cho thấy, dân số già đi cũng dẫn đến giảm phát. Người về hưu không chi tiêu như lao động ở độ tuổi 20 - 40.

Tất cả yếu tố này khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư nước ngoài bối rối. Theo một số chuyên gia, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải thực sự mạnh tay. Động thái gần đây của Thống đốc Pan Gongsheng nhằm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng xuống 0,5% là tín hiệu tốt. Nhưng bổ sung thêm 140 tỷ USD vào thanh khoản không có ý nghĩa đối với nền kinh tế khổng lồ trị giá 18 nghìn tỷ USD. Các doanh nghiệp muốn có thêm những đợt giảm lãi suất. Tuy nhiên, viễn cảnh trên được cho là khó xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm phát ở Trung Quốc ngày càng khó giải quyết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO