Giải pháp khai phá tối đa tiềm năng ngành hàng không
Trong bối cảnh nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%/năm, ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu đầy tham vọng trong quy hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, cần có những giải pháp đột phá nhằm khai thác hiệu quả dư địa còn rất lớn của lĩnh vực này.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ có 31 cảng hàng không vào năm 2030, trong đó có 15 cảng quốc tế và 16 cảng nội địa, với tổng công suất thiết kế đạt gần 295 triệu hành khách/năm. Mục tiêu đặt ra là 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong bán kính 100 km.
Xa hơn, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống sẽ mở rộng lên 33 sân bay, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ thống hàng không phủ rộng, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch sân bay quốc tế thứ 15 cùng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho thấy quyết tâm hiện thực hóa chiến lược này. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vận tải hàng không ngày càng gia tăng, nhiều sân bay lớn lại rơi vào tình trạng quá tải, còn không ít sân bay địa phương hoạt động cầm chừng hoặc dưới công suất.
Theo thống kê, năm 2024, vận tải hành khách bằng đường hàng không đạt gần 52 triệu lượt, chiếm khoảng 1% thị phần vận tải. Hai tháng đầu năm 2025, lượng hành khách đạt 9,5 triệu lượt, hàng hóa đạt 0,1 triệu tấn, cho thấy xu hướng tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, theo báo cáo của VIS Rating, lưu lượng hành khách qua các sân bay chỉ tăng 3%, trong khi số chuyến bay giảm 7%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng quá tải tại các sân bay trọng điểm như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, cộng với việc nhiều hãng hàng không phải bảo trì máy bay kéo dài, khiến khả năng khai thác bị co hẹp. Doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị khai thác lớn như ACV, SCS hay AST đều tăng trưởng ở mức khiêm tốn, lần lượt 9% và 13%.
Rõ ràng, việc mở rộng hạ tầng sân bay là yếu tố then chốt. Nhưng không chỉ là xây thêm mà phải là xây đúng nơi, đúng nhu cầu và đúng quy mô.
Thay vì đầu tư dàn trải vào các dự án sân bay lớn với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng và thời gian hoàn vốn lên đến 50 năm, mô hình sân bay nhỏ đang được nhiều chuyên gia xem là giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thực tế.
PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không, cho rằng các sân bay có công suất từ 300.000 đến dưới 1 triệu lượt khách/năm, diện tích 50 - 100 ha, vốn đầu tư khoảng 500 - 800 tỷ đồng là phù hợp cho các khu vực có tiềm năng du lịch, giao thương nhưng chưa đủ lớn để khai thác sân bay truyền thống.
Đặc biệt, Việt Nam hiện có nhiều sân bay quân sự chưa được khai thác hiệu quả. Việc chuyển đổi sang sân bay lưỡng dụng không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, mà còn góp phần gia tăng kết nối vùng, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa hoặc đảo.
Hiện nay, các hãng hàng không nội địa chủ yếu sử dụng máy bay phản lực thân hẹp trên 100 chỗ. Trong khi đó, nhiều đường bay ngắn có nhu cầu thấp khiến tỷ lệ lấp đầy không cao, gây lãng phí và làm giảm hiệu quả khai thác.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu tăng thêm 10% chuyến bay chặng ngắn, du lịch địa phương có thể tăng trưởng 5%, GDP tăng 6%, và FDI tăng 8%. Do đó, sử dụng máy bay cỡ nhỏ khoảng 70 - 90 chỗ, hoặc dưới 50 chỗ cho giai đoạn đầu được xem là giải pháp tối ưu để phát triển mạng lưới bay ngắn và điểm nối điểm (point-to-point).
Việc thay thế bốn chuyến bay 180 chỗ mỗi tuần bằng hai chuyến bay 80 chỗ mỗi ngày không chỉ giúp tăng tần suất, mà còn mang đến sự linh hoạt cao hơn cho hành khách, đặc biệt với du khách, doanh nhân hoặc cư dân tại các tỉnh ít có lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không.
Dù số lượng sân bay dự kiến tăng từ 22 lên 30 vào năm 2030, nhưng theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đến nay có tới 90% lưu lượng nội địa vẫn tập trung tại 10 sân bay lớn. Trong khi đó, nhiều sân bay địa phương hoạt động dưới công suất, chưa phát huy hiệu quả đầu tư.
Nghiên cứu của TEDI và hãng ATR xác định 149 đường bay nội địa nằm trong bán kính 555 km - phù hợp để khai thác bằng máy bay cỡ nhỏ. Trong đó, có đến 87 đường bay tiềm năng vẫn chưa được khai thác.
Hà Nội và TP.HCM hiện là hai trung tâm hàng không chính, song phần lớn các sân bay khác đều nằm trong bán kính 550 km tính từ hai đầu cực này. Việc khai thác hợp lý các tuyến bay ngắn, điểm nối điểm, sẽ giúp giảm áp lực cho các sân bay lớn, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận hàng không cho các địa phương khác.
Ngành hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh với kỳ vọng tăng trưởng nội địa trên 20% trong giai đoạn 2023 - 2027. Nhưng để không rơi vào vòng luẩn quẩn “xây - chờ - quá tải”, chiến lược phát triển cần thay đổi từ gốc: lấy hiệu quả làm trọng tâm, không chạy theo số lượng; phát triển đồng đều giữa các vùng miền, không chỉ tập trung vào các cực tăng trưởng lớn.
Khi kết hợp đồng bộ giữa phát triển hạ tầng sân bay nhỏ, khai thác máy bay cỡ nhỏ cho các chặng ngắn, cùng việc quy hoạch có cơ sở khoa học và bám sát nhu cầu thực tiễn, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh và bền vững nhất khu vực châu Á.