Gia nhập thị trường và quản lý: Khó cân đối

ĐẶNG HUY ĐÔNG - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (HẢI VÂN ghi)| 20/05/2014 03:52

Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn của luật hiện hành, đặc biệt là việc gia nhập thị trường, với tư tưởng cởi mở hơn, tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp (DN) hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, mức độ tự do thông thoáng như thế nào là vừa, mức nào là chặt?

Gia nhập thị trường và quản lý: Khó cân đối

Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn của luật hiện hành, đặc biệt là việc gia nhập thị trường, với tư tưởng cởi mở hơn, tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp (DN) hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, mức độ tự do thông thoáng như thế nào là vừa, mức nào là chặt?

Đọc E-paper

Mỗi quốc gia có quy mô kinh tế khác nhau, trình độ hiểu biết của dân cư và cộng đồng DN khác nhau, ý thức chấp hành pháp luật cũng khác nhau, dẫn đến luật các nước khác nhau, dù đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Chẳng hạn, tại Anh, một trạm xăng của BP đã có sẵn, muốn nâng cấp thành cửa hàng tiện lợi hiện đại, đã phải mất 2 năm để xin được giấy phép, dù xây dựng chỉ 6 tháng.

Ngày khai trương, quầy bán rượu trong cửa hàng tiện lợi vẫn phủ bạt do chưa có giấy phép hoạt động. Đấy là một ngành kinh doanh có điều kiện của nước Anh và cửa hàng tiện lợi đó chưa thỏa mãn các điều kiện để mở quầy rượu.

Nói vậy, không phải để bảo vệ cho hành chính quan liêu tại Việt Nam, mà trên thực tế, đây là bài toán rất khó giữa cân đối nhu cầu, yêu cầu của sự thuận lợi tiếp cận thị trường kinh doanh với đảm bảo tính quản lý không để lại hậu quả cho xã hội, cho nền kinh tế.

Trong thời gian tới, một việc phải làm quyết liệt là rà soát lại giấy phép con. Trong số 334 giấy phép con hiện nay, phải thừa nhận có những giấy phép chưa thuyết phục. Tới đây, cơ quan đưa ra giấy phép con phải giải trình thỏa đáng hai nội dung.

Một là, sự cần thiết tồn tại của giấy phép con. Hai là, việc bỏ giấy phép con đó có ảnh hưởng, tác hại như thế nào đến kinh tế và trật tự xã hội. Nếu phần trả lời không thỏa mãn được hai câu hỏi trên, chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Lần này, song song với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng đã được soạn thảo trên tinh thần chỉ điều chỉnh những phần thực sự ảnh hưởng, tác động đến hoạt động kinh tế và quản lý của Chính phủ.

Với những ngành nghề kinh doanh không điều kiện, ban soạn thảo luật sửa đổi đề xuất bỏ đăng ký ngành nghề, nhưng không phải bỏ hẳn. Công dân khởi nghiệp, chỉ đăng ký ngành nghề dự kiến làm. Trường hợp muốn đổi nghề khác, thông báo cho cơ quan quản lý qua intenet. Cách làm này vừa thuận lợi cho DN, vừa bảo bảo đảm quản lý nhà nước về thống kê.

Nhưng quan trọng hơn, DN sau một năm, bắt buộc phải báo cáo hoạt động kinh doanh năm vừa qua. DN phải thực hiện nghĩa vụ thuế, cho nên phải báo cáo về mức thuế đã đóng, không đóng thuế hoặc bị lỗ. Báo cáo này chỉ gửi cho một nơi, nhưng hai nơi nhận được, đó là cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Hiện, mạng điện tử hai cơ quan này đã được kết nối liên thông, nên không gây khó khăn cho DN.

Ngược lại, nghĩa vụ đối với xã hội của DN là giúp cơ quan quản lý nắm được tình hình kinh doanh của DN. Không quá chi tiết, nhưng DN phải có thêm 3 - 4 thông tin cơ bản nữa, như: ngành kinh doanh chính trong năm vừa qua, kinh doanh lỗ hay lãi, có bao nhiêu lao động...

Những khai báo như vậy không nặng nề với DN, còn cơ quan quản lý nắm bắt và phân tích được tình hình kinh tế của đất nước. Điều này có lợi cho xã hội chứ không phải chỉ riêng cho quản lý của nhà nước, đồng thời giúp DN lựa chọn ngành nghề kinh doanh tốt hơn.

Trở lại ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải tách bạch giữa hạn chế của luật và hạn chế của thực thi. Vướng mắc trong thực thi sẽ được khắc phục bằng cách rà soát lại số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, các cơ quan ban hành giấy phép con phải ghi rõ trình tự thủ tục, các quy định một cách tường minh và công bố lên mạng.

DN sau khi đã thực hiện đầy đủ các điều kiện, tự đánh dấu đã hoàn thành. Lúc này, cơ quan cấp phép bắt buộc phải cấp phép, trường hợp không cấp phép, phải có lý do chính đáng. Sau này, Chính phủ sẽ công khai hóa việc thực thi các giấy phép con, với sự giám sát của cộng đồng, đặc biệt của cộng đồng DN thông qua các hiệp hội để đánh giá thuận lợi, khó khăn trong việc cấp phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia nhập thị trường và quản lý: Khó cân đối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO