Khi ba mẹ là doanh nhân

P.V| 06/08/2019 07:25

Ngược lại với bạn bè, cô bé Thiên Trang ghét những ngày nghỉ, sợ những ngày lễ tết. Bởi những khi ấy, Trang chỉ có một mình trong khu nội trú bao la. Bạn bè cùng khu nội trú được cha mẹ đón về hết, chỉ một mình Trang ở lại với cô quản sinh già khó tính. Thế còn ba mẹ Thiên Trang đâu? Nói ra thì ai cũng có vẻ thông cảm: bởi vì ba mẹ cô ấy là doanh nhân.

Khi ba mẹ là doanh nhân

Là doanh nhân thì có gì khó hiểu? Cô quản sinh già bảo, tại ba mẹ Trang thường xuyên đi công cán nước ngoài. Những đứa bạn chung phòng lại bảo, tại ba mẹ Trang bận làm kiếm tiền. Trang thì ước chi ba mẹ mình chỉ là nhân viên văn phòng bình thường như ba mẹ của bạn Bạch Cúc. Chiều thứ sáu tuần nào của Bạch Cúc cũng là một chiều vui. Ba mẹ đến đón Cúc về nhà chơi với em Bi, chơi với bà ngoại, mãi đến chiều tối chủ nhật, Cúc mới trở lại nhà nội trú. Theo Cúc trở lại nhà nội trú là bao nhiêu câu chuyện gia đình ấm áp mà Trang nghe hoài không chán. Này nha con mèo Jun kỳ này đã biết trèo tuốt lên ngọn cây khế trước nhà Cúc để sưởi nắng. Này nha, bà ngoại mới kể thêm một câu chuyện cổ tích thật hay, mà hôm nào rảnh, Cúc sẽ kể cho cả phòng cùng nghe. Này nha, này nha... Thiên Trang nhìn ra cổng nhà nội trú, chờ hoài cái dáng xe ô tô màu mận chín của mẹ mà buồn ứa nước mắt...

Cô quản sinh già bảo, trong phòng bốn đứa, Trang là “cục vàng”. Còn Cúc, Mai, Thảo chỉ là “cục bạc” thôi. Nhà Trang giàu nứt đố đổ vách, ba mẹ Trang, mỗi người làm chủ một doanh nghiệp, Trang muốn gì mà chẳng được. Nhất là vào dịp sinh nhật Trang, mẹ đưa cho cô quản sinh già một cục tiền, cô nấu nướng cho cả phòng ăn tưng bừng, và còn có cả cái bánh kem to đùng mà mấy đứa bạn cắm đầy nến trên đó, cả đám cúi xuống thổi hoài, nến vẫn không tắt hết. Và còn hai cuộc điện của ba mẹ. Ai cũng bảo yêu Trang nhất trên đời, chúc Trang sinh nhật vui vẻ, mà Trang có thấy vui vẻ đâu. Đêm sinh nhật nào của Trang trong nhà nội trú cũng buồn. Cô ôm con búp bê là quà tặng của ba vào lòng và khóc. Khóc âm thầm, cố không sụt sịt vì sợ cô quản sinh già biết được sẽ la. Vậy mà Bạch Cúc biết. Nằm bên giường kia, Cúc nhắn tin qua cho Trang, thôi đừng khóc, cuối tuần này Trang về nhà Cúc chơi nha.

Thật lâu lắm, ba mẹ cũng có ghé vô đón Trang về nhà chơi. Nhưng chỉ là một ngày nghỉ vội vã. Thường là sáng chủ nhật đón, và trả Trang về nhà nội trú vào chiều chủ nhật. Mà chỉ hoặc ba hoặc mẹ, chứ không phải cả hai cùng đón như gia đình các bạn. Về ngôi biệt thự rộng thênh thang mặt phố, Trang cũng chỉ được loanh quanh với một mình mẹ hoặc một mình ba. Trang thường hỏi ba đâu hoặc mẹ đâu, chị giúp việc nhìn Trang ý tứ bảo, ba mẹ sắp chia tay rồi, Trang không biết sao. Lý do làm sao? Chị giúp việc bảo, Trang còn bé, chưa hiểu chuyện người lớn đâu, nhưng chung quy là do doanh nghiệp của ba làm ăn thua lỗ, ba cần doanh nghiệp mẹ hỗ trợ, nhưng dường như mẹ không thể giúp, vì hai người luôn luôn có những bất đồng trong kinh doanh. Trang không cần biết bất đồng gì xảy ra giữa ba mẹ, chỉbuồn rấm rứt khi thấy căn phòng nhỏ xinh của mình ngày nào, giờ bị nhện giăng tứ bề.

Từ đó Trang không muốn về nhà nữa. Suốt một tuần, cô ăn uống rất ít. Bài vở không học. Gần như không chuyện trò với bạn bè trong lớp, bạn bè chung nhà nội trú. Cô quản sinh già rối cả lên, gọi điện cho ba mẹ Trang, bảo ba mẹ làm sao mà Trang bị trầm cảm nặng.Ba lái ô tô vào tận nhà nội trú, xin phép đưa Trang đi khám bệnh.Sau khi khám xong, cô bác sĩ tâm thần bảo, Trang không có bệnh chi hết, chỉ là buồn mà phát sinh mọi thứ thôi. Cô đã tư vấn cho ba khá nhiều. Khám bệnh xong, ba lái xe đưa Trang đi vòng vòng thành phố, kể nhiều câu chuyện rất vui. Cô bé chợt thấy ba đáng yêu làm sao, ba đã lại là một người cha vui tính như những năm cô học tiểu học, những năm mà Trang chưa được gửi vào trường nội trú. Trưa, ba đưa Trang vào nhà hàng ăn cơm, Trang bảo muốn có mẹ cùng ăn. Ba gọi mẹ tới. Mẹ vẫn tất bật với công việc bao vây. Đến ngồi với hai cha con Trang một chút, rồi mẹ lại đi. Dường như mẹ vẫn chưa biết là Trang vẫn đang rất buồn.

Đưa Trang trở về nhà nội trú, ba ôm Trang vào lòng, thơm lên tóc Trang và bảo: “Con đừng buồn nữa nhé, ba hứa, cuối tuần nào cũng sẽ vào đón con đi chơi vui như hôm nay”. Trang hỏi, thế còn doanh nghiệp của ba thì sao. Ba bảo, sóng gió rồi cũng qua, nhưng khi gặp trắc trở trong cuộc đời, ba mới nhận ra điều gì là quý nhất. Chỉ có con mới là động lực giúp ba vượt qua khó khăn này, nụ cười của con, niềm vui của con sẽ giúp ba vượt qua tất cả. Cô bé thắc mắc: “Thế còn mẹ thì sao?”. Ba bảo, chắc chắn ngày mai mẹ sẽ vào với con, bây giờ mẹ không thích đi chung với ba nữa. Nhưng nếu mẹ có đón con đi chơi thì con cứ thật vui như hôm nay nhé, mẹ cũng yêu con lắm. Thiên Trang chớp chớp mắt, lại cảm động muốn khóc nữa rồi.

Tối trước khi đi ngủ, dứt khoát Trang sẽ nhắn tin cho mẹ bằng những lời yêu thương. Cô bé nghĩ, dù cho sóng gió thương trường như thế nào, hai doanh nhân là ba mẹ cô cũng cần một điểm tựa gia đình. Mà điểm tựa đó bây giờ phải là Trang. Trang đã học lớp chín rồi, cô sẽ biết chọn ra những lời vàng ý ngọc để kết nối ba mẹ cùng nhau. Doanh nghiệp dù thất bại hay thành công, con cái chẳng phải là “vàng bảo chứng” để cha mẹ đứng lên và đi tiếp hay sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi ba mẹ là doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO