Dù chịu áp lực điều chỉnh trong tháng 2, giá dầu thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trở lại trong tháng 3 vừa qua và hiện đang dao động quanh vùng giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Có thể thấy diễn biến thị trường dầu mỏ thời gian qua đầy tích cực và dự kiến có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới trong bối cảnh nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất là nguồn cung từ Venezuela có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tình hình nước này chìm trong khó khăn, lạm phát cao trong khi kinh tế suy thoái. Đáng chú ý là Trung Quốc sau khi đã cho Venezuela vay một khoản tiền lớn trong 2 năm qua nhằm hỗ trợ kinh tế thì hiện có lẽ đã không còn muốn cho vay thêm.
Được biết, Venezuela hiện nợ Trung Quốc khoảng 19,3 tỷ USD. Nếu không thể có thêm các nguồn vốn hỗ trợ nền kinh tế thì hoạt động khai thác dầu ngoài khơi của Venezuela có thể bị chững lại và suy giảm nguồn cung.
Trong khi đó, một nguồn cung lớn khác là Iran cũng có thể bị cắt trước lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuật hạt nhân Iran vào ngày 12/5 tới, theo đó áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt gồm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran. Gần đây Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ông John Bolton vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia - một chính trị gia nổi tiếng là "diều hâu" dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush.
Ông Bolton được biết có lập trường cứng rắn về thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như vấn đề Triều Tiên. Và, việc bổ nhiệm này là dấu chỉ cho thấy Mỹ có thể sớm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran .
Hiện tổng sản lượng khai thác của Iran và Venezuela là hơn 5,5 triệu thùng/ ngày, do đó khả năng 2 nước này không thể duy trì sản lượng ở mức như trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu thô toàn cầu, và trong khi sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến khai thác tại Mỹ dự kiến khó có thể bù đắp thì yếu tố mất cân đối cung cầu sẽ hỗ trợ giá dầu tiếp tục tăng lên.
Link bài viết
Thống kê dữ liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes gần nhất vào cuối tuần qua cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ lần đầu giảm trong 3 tuần gần đây, với số lượng giảm 6 giàn xuống còn 798 giàn.
Ngoài ra, thông tin gần đây cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cũng đang bàn luận về một thỏa thuận dài hạn trong việc hợp tác để giảm bớt nguồn cung dầu, qua đó có thể gia tăng sự kiểm soát lên nguồn cung dầu trên thế giới trong nhiều năm tới.
Được biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga vốn đã bắt đầu từ tháng 1/2017 và gần đây Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cho biết họ đang cố gắng chuyển từ hợp đồng có thời hạn 1 năm sang hợp đồng có thời hạn 10-20 năm.
Arab Saudi - quốc gia sản xuất dầu hàng đầu của OPEC - đã kêu gọi Nga và các nhà sản xuất khác hợp tác với OPEC khi giá dầu tụt dốc từ mức hơn 100 USD/thùng hồi năm 2014 xuống dưới 30 USD trong năm 2016. Việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng được xem là yếu tố quan trọng giúp giá dầu phục hồi kể từ đó đến nay.
Trong một diễn biến khác, căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran gần đây lại bùng phát dữ dội trở lại, sau khi Arab Saudi cho biết nước này sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran khởi động lại chương trình hạt nhân của mình. Động thái này được xem là tín hiệu cảnh báo trước thời hạn cuối để phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân của Iran vào ngày 12/5.
Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này khẳng định công nghệ hạt nhân sẽ chỉ phục vụ mục đích hòa bình, và hiện đang tiến hành các bước chuẩn bị để phát triển nguồn năng lượng hạt nhân, một phần trong kế hoạch cải cách do Thái tử Mohammed đưa ra nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.
Được biết Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Pháp và Trung Quốc đang chạy đua để giành hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với mục tiêu xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đầu tiên cho Arab Saudi.