Gần lắm Trường Sa!

LẠC LÂM| 04/06/2014 09:59

Nhiều bạn bè tôi chưa hiểu về cuộc sống ở biển đảo vì không có được thông tin chính xác. Tôi nghĩ một khi hiểu được ý nghĩa của đời sống quân ngũ, họ sẽ không ngần ngại đến những vùng đất xa xôi để làm việc."

Gần lắm Trường Sa!

Thông tin về cuộc sống ở Trường Sa đến với đất liền đã nhanh hơn, đầy đủ và sinh động hơn so với cách đây cả chục năm khi những chuyến viếng thăm được tổ chức nhiều hơn và có sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông.

Đọc E-paper

Đến thăm nhà giàn DK 1-11

Đổi thay từng ngày

Chuyện lương thực, rau xanh, nước uống... ở Trường Sa bây giờ dù vẫn còn khó khăn nhưng đã được cải thiện từng ngày. Ở đảo Song Tử Tây, nơi đầu tiên đoàn chúng tôi đặt chân đến, còn nuôi được cả một bầy heo và đàn bò 7 con. Do cỏ ít, bò chủ yếu ăn cơm, cám và thỉnh thoảng được "bồi dưỡng" thêm món khoái khẩu là... giấy carton.

Mỗi chuyến hàng từ đất liền ra, thùng giấy được lưu giữ rất kỹ để cho bò ăn dần và thật kỳ lạ là chúng ăn một cách ngon lành. Đảo cũng trồng được cả cây ăn trái, có vườn rau và nhiều hộ dân có thể tự tăng gia trong khoảnh đất be bé trước nhà. Chúng tôi được các anh quân y dẫn ra thăm vườn, có hẳn một dãy chuối xanh um với những buồng quả dài, và còn được đãi hai quả đu đủ chín mọng "bộ đội trồng đãi khách".

Ở các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa... bát ngát màu xanh, sạch sẽ và ngăn nắp. Đi bộ thăm khắp đảo mới cảm thấy thích thú khi bước dưới những hàng dừa, bàng vuông, cây tra... xanh tốt, đầy sức sống. Hệ thống trạm xá cũng được đầu tư khá khang trang. Ở bệnh xá Song Tử Tây, chúng tôi được chứng kiến các bác sĩ đang chăm sóc một ngư dân ở Lý Sơn bị tai nạn dập nát bàn tay khi đang đi biển, được đưa đến đảo kịp thời.

Hệ thống điện gió, pin năng lượng Mặt trời được lắp đặt ở hầu hết các đảo, giải quyết nhu cầu sinh hoạt và làm việc. Ghé thăm một hộ dân trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi còn thấy có cả karaoke và máy hát. Ở các đảo chìm và nhà giàn, điều kiện thiếu thốn và khó khăn hơn nhưng vẫn thấy những vườn rau xanh mướt và dàn pin năng lượng Mặt trời trên nóc nhà.

Nước vẫn là vấn đề nan giải nhất, ở một vài đảo chìm và nhà giàn DK, chúng tôi không khỏi "choáng" khi thấy tấm bảng thông báo: "Tắm 7 lít/người", mà ba, bốn ngày mới được tắm một lần.

Ngày càng nhiều công trình do các đơn vị trong đất liền đầu tư ra đảo. Ở Trường Sa, ngoài hệ thống điện gió đặt khắp đảo còn có hệ thống trạm truyền số liệu, thu phát sóng điện thoại do Tập đoàn Viễn thông Quân đội đầu tư để nâng cao đời sống quân dân trên đảo.

Một trung tâm văn hóa khang trang với hội trường, phòng ốc hiện đại không khác gì một khách sạn ở đất liền đặt tại đảo Nam Yết do Vietinbank phối hợp xây dựng. Ấn tượng nhất là tại đảo Đá Tây, Công ty Thủy sản Trường Sa thuộc Lữ đoàn 129 đầu tư nuôi thử nghiệm cá trong lồng bè với rất nhiều loại cá có giá trị cao, sản lượng thu được khá tốt.

Sóng điện thoại đến đảo xa

Những "chiến sĩ cử nhân"

Tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đã có công việc ổn định, lương cao nhưng thay vì lo vun đắp tương lai, các chiến sĩ đã dũng cảm tình nguyện nhập ngũ làm nhiệm vụ với Tổ quốc nơi đảo xa.

Chúng tôi gặp Trung sĩ Nguyễn Phúc Sinh tại đảo chìm Đá Thị khi anh vừa xong phiên gác liền ra ngay vườn của đơn vị để tưới rau. Sinh quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, năm 2011 tốt nghiệp khoa Hóa dầu, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, về làm việc tại Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi và 6 tháng sau thì nhập ngũ.

"Ở quê tôi, mới tốt nghiệp đại học mà có việc làm trong cơ quan nhà nước, lương tháng để dành được chút ít như tôi là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Bạn bè cùng lớp tôi giờ nhiều đứa vẫn còn đi xin việc. Nghe tin tôi bỏ hết để nhập ngũ, người thân, bạn bè đã nói ra nói vào rất nhiều.

Có người còn nói tôi dại dột, chơi nổi... Anh thấy không, ở đất liền nước xài phung phí, ở đây tưới rau cũng phải đếm từng giọt. Tôi học hỏi về cuộc sống, sự kiên trì từ những việc nhỏ này. Bây giờ mẹ tôi lại là người ủng hộ tôi nhiều nhất", Sinh chia sẻ.

Ở đơn vị, những kiến thức về hóa dầu của Sinh không vô ích, những lúc phải kiểm tra độ nước trong dầu, anh thực hiện một cách thuần thục như một kỹ sư lành nghề. "Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình đang đánh đổi điều gì cho bản thân. Sự nghiệp có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào, học vấn có thể trau dồi cả đời nhưng nhiệm vụ với Tổ quốc thì không thể trì hoãn", Sinh thổ lộ.

>Sức trẻ Trường Sa
>Đau đáu Trường Sa!
>Việt Nam theo dõi sát sao tàu cá Trung Quốc tại Trường Sa

Cũng như Sinh, Trung sĩ Bùi Quốc Trung ở Bình Chánh, TP.HCM đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông. Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2010, Trung cùng bạn bè thành lập Công ty Attic chuyên về phần mềm. Nhiều lần đọc báo thấy được cuộc sống kỷ luật trong quân ngũ, Trung bắt đầu nung nấu ý định bỏ hết tất cả để khép mình vào cuộc sống của rèn luyện.

"Tôi thấy cuộc sống của mình mất hết ý nghĩa nếu chỉ biết chăm chăm lo cho bản thân, tôi muốn sống kỷ luật để trở nên khỏe khoắn, nghiêm túc. Từ khi nhập ngũ, tôi thấy mình trưởng thành hẳn. Sau khi ra quân tôi sẽ đi học nâng cao về công nghệ thông tin để có thể tự mở cơ sở tại nhà. Nhiều bạn bè tôi chưa hiểu về cuộc sống ở biển đảo vì không có được thông tin chính xác. Tôi nghĩ một khi hiểu được ý nghĩa của đời sống quân ngũ, họ sẽ không ngần ngại đến những vùng đất xa xôi để làm việc, vì tuổi trẻ ai cũng có tấm lòng với đất nước", Trung bày tỏ.

Quà tặng của đất liền đến với đảo Đá Tây C

Lễ tưởng niệm ở Trường Sa

Trong những chuyến thăm Trường Sa, điều không thể thiếu và luôn khiến mọi người xúc động nhất chính là lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma năm 1988 và Nhà giàn DK năm 1989. Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin tạo thành một tam giác nằm giữa đại dương, thuộc cụm đảo Sinh Tồn.

Từ Cô Lin, bằng mắt thường có thể nhìn thấy Gạc Ma ở phía xa bây giờ được xây như hình dáng một con tàu. Những người đi trước kể rằng, lễ tưởng niệm luôn có nhiều chuyện rất lạ và lấy rất nhiều nước mắt của những vị khách từ đất liền ra thăm đảo.

Một ngày trước lễ tưởng niệm ở Gạc Ma, mặt biển yên ả bị khuấy động khi cả bầy cá heo bất ngờ xuất hiện, tung mình từ dưới biển lên chào đón. Những chiến sĩ hải quân có kinh nghiệm cho biết, đó là dấu hiệu trời sẽ mưa to. Đêm đó, mưa như trút nước, đến sáng hôm sau trời vẫn xám xịt và lất phất mưa, bài diễn văn tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh chưa dứt thì những tiếng sụt sùi đã vang lên vì xúc động.

Nước mắt càng nhiều hơn khi nghe kể lại câu chuyện về thuyền trưởng Vũ Huy Lễ trước họng pháo đe dọa của kẻ thù đã bình tĩnh ra lệnh cho tàu HQ505 lao thẳng lên đảo Cô Lin để khẳng định chủ quyền hợp pháp. Đầu năm 1989, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bánh trái và nhang đèn lần lượt được thả xuống biển, lạ thay, lúc đó trời tạnh hẳn, sáng rõ, bát hương bùng lửa.

Cảnh tượng hôm làm lễ tưởng niệm ở nhà dàn DK cũng bi tráng và hào hùng như thế. Hòa mình trong biển cả mênh mông, chắc các anh cũng cảm nhận được tình cảm ấm áp mà Tổ quốc và người dân dành cho mình. Và tình cảm ấy cũng sẽ sưởi ấm rất nhiều trái tim chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Một góc đảo Sơn Ca
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gần lắm Trường Sa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO