Gần 80% người Việt phải làm thêm để trang trải cuộc sống

H.Ng| 13/06/2023 06:39

Trong bối cảnh kinh tế lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng, để có thêm nguồn thu nhập đủ trang trải cuộc sống, rất nhiều người Việt Nam phải làm thêm nghề tay trái.

Gần 80% người Việt phải làm thêm để trang trải cuộc sống

Theo khảo sát vừa công bố của Herbalife, có gần 4/5 (79%) người Việt được hỏi cho biết phải làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống. Cụ thể, hơn một nửa (63%) số người Việt cho biết tình hình tài chính hiện tại khiến họ gặp khó khăn trong việc thanh toán các nhu yếu phẩm như thực phẩm, tiện ích và thuốc men.

6 trong số 10 người (66%) thừa nhận, mức độ lo lắng về tài chính của họ tương tự hoặc thậm chí còn nhiều hơn so với một năm trước đây. Ngoài ra, 59% số người tham gia khảo sát cho rằng họ cảm thấy không chắc chắn về tình hình tài chính của mình trong tương lai, thậm chí, việc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ.

Cũng theo khảo sát này, người Việt cần có nguồn thu nhập từ 7-11,6 triệu đồng (300-500 USD) mỗi tháng để đủ trang trải cuộc sống. Những công việc phổ biến họ chọn làm thêm trong giai đoạn này, gồm bán hàng trên các trang web thương mại điện tử, sáng tạo nội dung, viết lách, chỉnh sửa hoặc biên tập nội dung, bán hàng trực tiếp. 

Chủ tịch Herbalife khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc Stephen Conchie cho rằng, chi phí thực phẩm, nhà ở và tài nguyên thiên nhiên tăng đã ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn cầu, khiến nhiều người phải tìm thêm các nguồn thu nhập bổ sung. Cơ hội bán hàng trực tiếp đã xuất hiện từ hơn một thế kỷ trước đã trở thành một giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhiều người và quan trọng hơn là một hệ thống hỗ trợ giúp nhiều người đạt được mục tiêu của mình.

"Tuy nhiên, dù công việc làm thêm có thể mang lại khả năng linh hoạt hơn về tài chính, cảm giác an toàn và trở thành phương tiện kiếm sống nhưng điều quan trọng là mỗi cá nhân cần lựa chọn công việc làm thêm phù hợp với bản thân. Bán hàng trực tiếp mang lại sự linh hoạt về thời gian và chi phí ban đầu thấp. Đây cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm, dịch vụ mà bạn đam mê, từ đó đảm bảo rằng bạn sẽ dành thời gian và nỗ lực cần thiết cho công việc đó", ông Stephen Conchie nhấn mạnh.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt trong cách thế hệ Millennials và thế hệ Z tại Việt Nam nhìn nhận về công việc làm thêm so với các thế hệ khác. Trong đó, thế hệ Millennials có nhiều khả năng có thêm nghề tay trái hơn (83%), tiếp theo là thế hệ Boomers (79%), thế hệ Z (76%) và thế hệ X (67%).

Hiện này, trung bình, những người làm thêm nghề tay trái dành khoảng 8 giờ mỗi tuần cho công việc đó. Tuy nhiên, thời gian làm việc có thể thay đổi. Cụ thể, 23% người được hỏi cho biết họ dành 3-5 giờ mỗi tuần cho công việc làm thêm, trong khi 29% dành 6-10 giờ mỗi tuần.

Có rất nhiều động lực để người Việt lựa chọn làm thêm nghề tay trái. Trong đó có 50% người được hỏi cho rằng nghề tay trái ít phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất, 45% cho rằng để có thu nhập đủ sống, 42% cho biết để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng và lạm phát.

Bên cạnh đó, 40% người khảo sát cho biết muốn có một mạng lưới an toàn về tài chính, 40% là để hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình, 34% để theo đuổi đam mê hoặc sở thích, 22% dành để trả hết nợ và 21% nhằm mục tiêu nghỉ hưu sớm hoặc đạt được tự do tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gần 80% người Việt phải làm thêm để trang trải cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO