Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần 18 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nội địa còn nhiều khó khăn.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 7, có 6.837 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so với tháng trước; và 7.035 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% so với tháng trước và tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 7 tháng qua, số DN rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có hơn 17,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nội địa đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 95,2 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký là 854,6 nghìn tỷ đồng; tổng số lao động đăng ký gần 600,4 nghìn người. Số doanh nghiệp tăng 6,3%, vốn đăng ký tăng 2,4%, và số lao động tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 7 tháng năm 2024 đạt 9 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 919,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 27,1 nghìn DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2024 là 1.773,8 nghìn tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 44,3 nghìn DN quay lại hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên gần 139,5 nghìn DN, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn DN nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng, những số liệu trên cho thấy sự thận trọng của cộng đồng DN đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. DN có tâm lý lạc quan hơn nhưng cũng chuẩn bị cho những khó khăn sắp tới. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN đang trông chờ vào sự thay đổi tích cực hơn trong khâu hoạch định chính sách.
Trong năm 2023, có hơn 130.000 DN mới được thành lập, tăng 15% so với năm 2022. Các ngành nghề thu hút nhiều sự quan tâm của các DN mới bao gồm công nghệ thông tin, dịch vụ thương mại và sản xuất công nghiệp.
Dự báo cuối năm 2024 và đầu năm 2025, xu hướng tăng trưởng trong việc đăng ký DN mới vẫn tiếp tục được duy trì, mặc dù có thể sẽ có sự chững lại nhất định do những biến động của thị trường toàn cầu và tình hình kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia kinh tế, số lượng DN mới có thể đạt ngưỡng 140.000 đến 150.000 DN vào cuối năm 2024. Các ngành nghề như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, và dịch vụ tài chính dự kiến sẽ tiếp tục dẫn đầu xu hướng. Những chính sách hỗ trợ DN từ chính phủ và việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển này.