Với những người hâm mộ bóng đá, FIFA World Cup là dịp để mọi người cùng hội tụ và cổ vũ cho đội tuyển mình yêu thích. Nhưng đây lại cũng là cơ hội để các thương hiệu quảng bá sản phẩm dịch vụ, qua đó tăng độ nhận diện, mở rộng thị trường và thúc đẩy doanh thu.
Tiếp cận công chúng toàn cầu
FIFA World Cup 2022 bắt đầu từ ngày 20/11 tại Qatar. Đây là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Quy mô khổng lồ, cộng với sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá là lý do khiến World Cup trở thành thời cơ để các doanh nghiệp triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm dịch vụ hay quảng bá một ý tưởng.
Theo đó, các nhãn hàng thường chọn những ngôi sao thể thao để làm đại sứ thương hiệu để tăng sức ảnh hưởng đến công chúng. Chẳng hạn, tháng 9/2022, Budweiser khởi động chiến dịch “The World is Yours to Take” với sự góp mặt của Lionel Messi, Neymar Jr và Raheem Sterling. Riêng tại Việt Nam, Budweiser Việt Nam chọn “Quả bóng vàng 2021” Nguyễn Hoàng Đức làm đại sứ thương hiệu cho chiến dịch của hãng.
Các thương hiệu còn đánh vào tâm lý háo hức của người hâm mộ với World Cup. Cụ thể, cuối tháng 8/2022, Coca-Cola ra mắt chuỗi TVC thuộc chiến dịch “Believing is magic”. Theo đó, các TVC mang đến hình ảnh những người hâm mộ thực hiện lời hứa như xăm mình, cạo đầu hay chạy bộ đi làm mỗi ngày bất chấp thời tiết nếu đội tuyển nước nhà dành chiến thắng tại World Cup.
Năm nay, World Cup được tổ chức trùng với các dịp Black Friday (25/11), Cyber Monday (28/11) và ngay trước dịp Giáng sinh. Không khí lễ hội cộng hưởng với độ lan tỏa mạnh mẽ của World Cup đã mở đường cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tiếp cận người tiêu dùng một cách tự nhiên hơn.
Tận dụng thời điểm này, thương hiệu sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ một chiến dịch sáng tạo, thu hút sự chú ý của công chúng - vốn là một tài nguyên ngày càng hiếm.
Tài trợ không phải là cách truyền thông duy nhất
Khi một sự kiện lớn diễn ra, một lượng lớn thông tin về sự kiện ấy sẽ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. World Cup cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, việc tận dụng thời cơ này để quảng bá thương hiệu cũng không phải là điều đơn giản. Bởi một chiến dịch thú vị sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, còn một chiến dịch không phù hợp có thể bị lan truyền tiếng xấu rất nhanh. Điều này đòi hỏi các nhãn hàng phải có khả năng kiểm soát được chiến dịch truyền thông của mình.
Vì vậy, các thương hiệu cần đầu tư tạo ra các sản phẩm truyền thông độc đáo, sáng tạo, gây bất ngờ hoặc chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng, vốn đang thay đổi rất nhanh.
Ngoài ra, các nhãn hàng cũng phải có khả năng bắt nhịp nhanh những sự kiện tâm điểm của World Cup. Theo các chuyên gia marketing, khi nhắc đến tiếp thị ở các sự kiện thể thao, các doanh nghiệp thường nghĩ đến việc tài trợ. Thế nhưng, đó không phải là cách tiếp cận duy nhất. Các thương hiệu có thể quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, các video ngắn, highlights (nổi bật, đáng chú ý).
World Cup không chỉ là “sân chơi” dành riêng cho các nhãn hàng thể thao mà doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác cũng có thể tham gia. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phù hợp với ngành hàng của mình. Đơn cử như Nguyễn Kim, Shopee và nhiều trang mua sắm trực tuyến đã tung ra các gói khuyến mãi lớn cho mùa World Cup.