Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/4 đã lên tiếng bác bỏ sự chỉ trích ở Đức về chính sách tiền tệ mà ngân hàng này đang thực hiện, cho rằng hiệu quả của nó để thấy được cần phải có thời gian.
Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định các chính sách của ngân hàng đang vấp phải sự chỉ trích từ phía Đức gần đây về những tác động tiêu cực đến người gửi tiền và các ngân hàng, khẳng định cần có thời gian để các chính sách phát huy tác dụng đầy đủ.
Ông cũng nói rằng với những ngoại lệ hiếm có, các chính sách của ECB là chính sách duy nhất trong bốn năm qua hỗ trợ tăng trưởng.
Tại cuộc họp lần trước vào ngày 10/3, ECB đã thông báo loạt động thái chính sách mới nhằm đưa lạm phát vốn thấp kinh niên ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trở lại mức có lợi hơn cho nền kinh tế.
Các biện pháp này bao gồm việc hạ lãi suất xuống 0%, tăng quy mô chương trình mua tài sản, được biết đến là chương trình nới lỏng định lượng, đưa trái phiếu doanh nghiệp vào chương trình này và sẵn sàng cung cấp một lượng lớn khoản cho vay lãi suất thấp cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, các biện pháp trên vấp phải sự chỉ trích ở Đức, nơi nhiều người gửi tiền tiết kiệm đang chứng kiến nguồn thu nhập từ lãi suất giảm do lãi suất thấp và lợi nhuận của các ngân hàng đang bị giảm sút.
Trước những chỉ trích đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21/4 đã nói bà hoàn toàn ủng hộ chính sách độc lập của ECB, khẳng định ECB có quyền hạn rõ ràng là đảm bảo sự ổn định giá cả.
Ông Draghi khẳng định ECB tuân thủ luật pháp, không chịu bất cứ sự can thiệp nào của các chính trị gia và nói ECB có nhiệm vụ ổn định giá cả cho toàn bộ Eurozone, không chỉ cho riêng Đức.
Ông hối thúc các nhà lãnh đạo góp phần đưa kinh tế Eurozone đứng vững trở lại.
Theo ông, để hưởng lợi đầy đủ từ các biện pháp chính sách tiền tệ của ECB, các phạm vi chính sách khác phải đóng góp lớn hơn, cả ở tầm quốc gia và trên toàn châu Âu.
Ông Draghi cho biết, ECB sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến triển trong triển vọng ổn định giá cả và sẽ sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn của mình để đạt mục tiêu đã đề ra.
Ông nói ECB có thể tăng cường các biện pháp kích thích nếu các vấn đề của toàn cầu ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế còn yếu của Eurozone và gây thêm sức ép lên lạm phát ở khu vực.
Tại cuộc họp ngày 21/4, ECB đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục là 0-0,25% cũng như lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ECB ở mức -0,4% và tiếp tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua chương trình mua trái phiếu trị giá 80 tỷ euro (90 tỷ USD) mỗi tháng.
Lạm phát tại Eurozone ở mức 0% trong tháng Ba, rất xa mục tiêu 2% mà ECB ước tính là có lợi cho tăng trưởng kinh tế mạnh.
Kinh tế khu vực tăng 0,3% trong quý 4 năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10,3% nhưng đang giảm.
>ECB sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ?
>ECB quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục
>Chính sách tiền tệ của FED và ECB: Xung đột tiềm ẩn