Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi song song với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM góp ý về hồ sơ bổ sung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Thành phố.
Đối với hướng tuyến của Dự án, đơn vị quản lý giao thông của TP.HCM thống nhất chọn hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi song song với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phía bên phải theo hướng đi từ TP.HCM đến Đồng Nai).
Điểm thuận lợi của hướng tuyến này là hiện đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc Dự án được bố trí trong hành lang đã được quy hoạch và được quản lý ổn định dọc theo hành lang đường bộ cao tốc.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thống nhất chọn ga Thủ Thiêm là ga đầu mối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại TP.HCM. Ga Thủ Thiêm cũng là ga trung chuyển hành khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Để đảm bảo tính khả thi của Dự án, Sở Giao thông vận tải đề nghị nghiên cứu thêm cấu trúc tuyến, đoạn qua địa bàn Thành phố và cập nhật đầy đủ về quy mô, dạng thức, chi tiết kỹ thuật các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng, hoặc đã được quy hoạch để bổ trí hợp lý các giải pháp giao nhau giữa đường bộ và đường sắt tránh những phát sinh, điều chỉnh ở giai đoạn tiếp theo.
Về quy mô nhà ga Thủ Thiêm, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức thực hiện và hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 để Thành phố có cơ sở quản lý quy hoạch và triển khai các dự án phát triển đô thị xung quanh nhà ga.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố có đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đang được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi nên cần có sự nghiên cứu tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ về tiêu chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật giữa 2 dự án để dự trù quỹ đất quy hoạch.
Đối với tổng mức đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án được tính toán theo các bản vẽ điển hình đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc. Trong khi, đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc được tính toán thiết kế với tải trọng thẳng đứng 0,8 x LM71 (dưới 20 tấn/trục), chỉ chở khách và không chở hàng, không phải tải trọng LM71 (22,5 - 25 tấn trục) theo TCVN 13594:2022.
Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị cần rà soát lại các cơ sở để tham khảo xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai thi công.
Sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý của các sở, ngành, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách (mỗi tỉnh bố trí 1 ga, riêng Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận mỗi tỉnh bố trí 2 ga). Để đảm bảo phục vụ quốc phòng an ninh, vận tải hàng hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn, thuận lợi phục vụ công tác hậu cần quốc phòng, an ninh, liên vận quốc tế.