Đường sách TP.HCM: Định hướng cho bước phát triển mới

MINH NGUYỄN| 20/03/2019 09:20

Năm 2016, đường sách Nguyễn Văn Bình ra đời với mục tiêu khuyến khích thói quen đọc sách cho người dân thành phố. Sau 3 năm, đường sách không chỉ vượt qua mục tiêu ban đầu mà còn trở thành nơi giao lưu giữa tác giả và bạn đọc, một điểm hẹn văn hóa.

Đường sách TP.HCM: Định hướng cho bước phát triển mới

Không gian “chia năm xẻ bảy”

Sau 3 năm ra đời, doanh thu tại đường sách tăng dần đều từ 26,4 tỷ đồng (năm 2016) lên 38,51 tỷ đồng (năm 2017) và đạt 39,84 tỷ trong năm 2018.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi đường sách vượt qua khó khăn ban đầu, khẳng định vị trí và tầm quan trọng bằng những con số cụ thể. Thế nhưng, sự gia tăng doanh thu cũng vô tình đặt ra áp lực, buộc các hoạt động trên đường sách phải đổi mới, nghĩ đến những bước đi xa hơn cho chặng đường phía trước.

Một trong những phương thức ban tổ chức (BTC) đường sách thực hiện nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng trong và ngoài nước là đa dạng các hoạt động, không gian tại đường sách thay vì chỉ tập trung khuyến khích thói quen đọc sách. Nhiều không gian công cộng mở ra trong phạm vi chật hẹp như kê thêm 2 hàng ghế cho khách ngồi, mở khu vui chơi dành cho trẻ em, một số đơn vị còn bày gian hàng ngay giữa lòng đường để bán đủ thứ ngoài sách như túi vải, dây chuyền, cài tóc, đồ mỹ nghệ, quà lưu niệm... Không gian đường sách bị chia năm xẻ bảy, trở nên huyên náo, chẳng khác nào khu vui chơi và điểm bán hàng cho khách du lịch.

Bước sang năm thứ tư, hoạt động giao lưu giữa tác giả và độc giả tại đường sách đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, được tổ chức bài bản, có kế hoạch, tránh được tình trạng giẫm chân lên nhau.

Bà Quách Thu Nguyệt - Phó giám đốc công ty Đường sách TP.HCM cho biết, hiện tại đường sách kín lịch hoạt động đến gần hết năm 2019 và trung bình tại đường sách sẽ diễn ra từ 3 - 4 sự kiện/tuần. Tuy nhiên, những chương trình giao lưu cũng dẫn đến sự bất cập trong việc duy trì không gian yên tĩnh cho việc đọc sách bởi âm thanh từ hoạt động, ca hát khuấy động.

Thách thức trên chặng đường mới

So với thách thức ở thời điểm khởi đầu từ một mô hình trên bàn giấy, đường sách giờ đây có quyền và trách nhiệm nghĩ tới những mục tiêu cao hơn là “con người, sự nhân văn, nâng tầm từ không gian văn hóa đọc thành không gian văn hóa” như chia sẻ của ông Lê Hoàng - GĐ công ty Đường sách TP.HCM thay vì chỉ chú trọng vào việc bán sách, tổ chức các hoạt động giao lưu.

Và rõ ràng, không thể phủ nhận, đường sách đã và đang trở thành cầu nối hữu ích giữa tác giả và độc giả, đưa tác phẩm đến gần độc giả hơn, tạo sự tò mò, hứng thú hơn với một tác phẩm.

Thế nhưng, với những vướng mắc như vừa phân tích ở trên, liệu BTC đường sách sẽ có những giải pháp nào để gỡ rối? Đừng nhầm lẫn giữa việc thu hút người dân vì tình trạng thiếu sân chơi chung cho gia đình, trẻ nhỏ với việc tạo dựng không gian văn hóa, nâng tầm tri thức. Lại nhớ đến đề án mở đường sách trên các quận được đưa ra hồi giữa năm 2018, phải chăng cũng xuất phát từ sự nhầm lẫn tai hại này?

Xây dựng một sân chơi chung đã khó. Xây dựng một không gian văn hóa càng khó hơn. Và chắc chắn thành công của vế thứ 2 không thể thực hiện trong một sớm một chiều và chỉ đến từ một phía. Làm thế nào để đường sách không chỉ là nơi chụp hình, uống cà phê, tán gẫu mà còn trở thành không gian lý tưởng cho việc phát huy văn hóa đọc, chính là câu hỏi mà công ty Đường sách vẫn đang nỗ lực để trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường sách TP.HCM: Định hướng cho bước phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO