Những ngày cuối năm không vội vã, cả gia đình tôi lại cùng nhau rong ruổi trên những cung đường tuyệt đẹp, để hít thở chút không khí núi rừng, tận hưởng cái rét cắt da cắt thịt, để tận mắt thấy mây vắt vẻo trên triền núi, để mỗi sáng thức dậy ngắm tuyết phủ trắng cả thung lũng, để mỗi ngày cả nhà cùng nhau chờ đợi những tia nắng hiếm hoi của vùng sơn cước... Và để cả nhà có thật nhiều thời gian bên nhau, chuyện trò những câu chuyện không đầu không cuối.
Những ngày cuối năm thường là dịp tụ tập, sum vầy, nấu thật nhiều món ăn truyền thống, đôi khi chỉ là để dạy cho lũ trẻ khái niệm "Tết". Tết là phải có áo dài đỏ, bánh chưng xanh, có hoa mai hoa đào rộn ràng khắp nơi. Những đứa trẻ chưa một lần đón Tết ở Việt Nam. Việt Nam trong chúng chỉ là những ký ức ngắn ngủi trong những lần theo ba mẹ về thăm ông bà, họ hàng. Nhưng chúng đều hiểu được những nghi lễ, phong tục Tết của Việt Nam và gieo vào tâm hồn tụi nhỏ chút háo hức được đón Tết tại Việt Nam.
Những ngày cuối năm, gia đình tôi cũng chọn cho mình cách đón năm mới rất riêng. Do đặc thù công việc của doanh nhân phải di chuyển rất nhiều giữa Na Uy và Việt Nam, nên tôi thấm thía vô cùng ý nghĩa của việc "ra đi để trở về”. Gia đình tôi thường lựa chọn cho mình những kỳ nghỉ ở vùng núi tuyết xa xôi, nhiệt độ có khi xuống đến -25 độ vào mùa Đông, địa hình rất hiểm trở, đi lại khó khăn và tham gia tất cả môn thể thao mùa Đông của Na Uy như trượt tuyết, trượt băng.
Những kỳ nghỉ giống như đi "hành xác" khi cả nhà phải trải nghiệm điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, 7-8 tiếng đồng hồ đi ngoài trời, không nhà hàng, không khách sạn, không hề có chút "không khí” nghỉ dưỡng nào mà chỉ có những bữa ăn chớp nhoáng ngoài trời với bánh mì hay ca cao nóng, ở tại những cabin theo phong cách "tối giản" nhất. Đối với tôi, những đứa trẻ phải được rèn luyện như những "chiến binh" thực sự. Đưa con lên những nơi thật cao, thật xa để có những trải nghiệm thật gian khổ, giúp chúng có thể hòa mình vào thiên nhiên và trân quý khoảnh khắc được trở về nhà sau mỗi chuyến đi.
Ngày cuối năm ở những vùng núi tuyết không công việc, không lo toan cơm áo gạo tiền, không có chăn ấm nệm êm, không có bất cứ phương tiện giải trí xa hoa nào, chỉ có núi rừng, tuyết trắng và những thành viên trong gia đình với nhau. Và ở chính những nơi gian khổ, hoang sơ tận cùng, nơi chỉ có con người với thiên nhiên, chính ở đây, những năng lượng tích cực nhất cho một năm mới sắp đến sẽ được tái tạo.