Xuyên suốt từ Sài Gòn đến Paris và Amsterdam

NGUYỄN DŨNG| 16/04/2010 05:11

Kể từ khi hãi Hãng Air France (Pháp) và KLM (Hà Lan) sáp nhập làm một, chuyện thong dong lữ hành xuyên suốt qua nhiều địa điểm đã trở thành hiện thực.

Xuyên suốt từ Sài Gòn đến Paris và Amsterdam

Kể từ khi hãi Hãng Air France (Pháp) và KLM (Hà Lan) sáp nhập làm một, chuyện thong dong lữ hành xuyên suốt qua nhiều địa điểm đã trở thành hiện thực.

Hành trình Sài Gòn - Paris

Bay xa với Air France (AF) lúc này thoải mái hơn. Truy cập địa chỉ airfrance.com, bạn chọn chỗ ngồi và in thẻ lên tàu từ khi còn ở nhà. Lâu nay, các chuyến bay của AF khởi hành từ Tân Sơn Nhất, bay đến sân bay quốc tế Charles-de-Gaulle (CDG), Paris, đều mang ký kiệu AF184 nhưng máy bay sử dụng thì khác nhau. Ở lịch bay mùa đông (tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau), AF khai thác loại máy bay A340 - 300; lịch bay mùa hè (cuối tháng 3 đến hết tháng 9), loại B747-400. Chuyến bay Sài Gòn - Paris luôn quá cảnh ở Bangkok khoảng một tiếng để nhả và nhận thêm hành khách, hàng hóa.

Phòng khách thương nhân của KLM tại Schiphol - Ảnh Ng. Dung

Chỗ ngồi hạng phổ thông của chúng tôi ở khúc "lưng gù" của chiếc B747-400, không gian trước đây AF thường dành cho hành khách hạng thương gia. Do khúc thân máy bay này nhô hẳn lên nhưng hẹp chiều ngang hơn so với cabin ở “tầng” dưới nên thiết kế chỗ ở đây là 3 - 3, có nghĩa là tương đối thoải mái khi cần di chuyển ra hành lang, đi vệ sinh, thư giãn cơ bắp trong chuyến bay xa kéo dài gần 11 tiếng đồng hồ.

Rời khỏi đường băng Suvarnabhumi lúc nửa đêm, hành khách sẽ hạ cánh xuống CDG lúc bình minh. Vì vậy, nếu bạn ngồi cạnh cửa sổ và sớm thức giấc thì sẽ có được những phút ngắm cảnh đồng lúa trải rộng dưới cánh khi máy bay hạ dần độ cao tiếp cận một sân bay khổng lồ có đến bốn đường băng, tám nhà ga hàng không.

Dẫu biết rằng bay xa trong đêm thì cố ngủ đầy giấc để giữ sức cho một ngày làm việc hoặc khám phá, nhưng cũng khó lòng nhắm mắt trước cám dỗ của hệ thống AVOD (nghe nhạc, xem phim, chơi game theo yêu cầu) tích hợp trên các chuyến bay AF. Bạn có cơ hội xem bộ phim Up in the air (Chơ vơ trên không) giúp George Clooney được đề cử Oscar 2010 cho nam diễn viên xuất sắc nhất, hay Inglorious bastards (Những lính biệt động quái lạ), phim Thế chiến II rất hấp dẫn của Quentin Tarantino, và Le concert (Buổi hòa nhạc), một thành công của điện ảnh Pháp năm 2009...

Rồi còn là cám dỗ mua hàng miễn thuế và thưởng thức vang Pháp đựng trong những chai nhỏ xinh mà AF sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu hành khách, dù ngồi hạng phổ thông. Có điều, vang bây giờ trong chai... nhựa có thể khiến người sành điệu cau mày. Nhưng rõ ràng với bài toán chai nhựa, AF đã rất hiệu quả ở khâu “giảm cân”, tức giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải và góp phần bảo vệ môi trường. Đó cũng là cách AF cam kết trong khẩu hiệu của mình: “Biến bầu trời thành nơi đẹp nhất của Trái đất”.

Hành trình Paris - Amsterdam

Do AF và KLM đã “tuy hai mà một” kể từ năm 2004 nên hành trình từ thủ đô nước Pháp đến Amsterdam diễn ra thật thuận tiện, dễ dàng và nhanh lẹ. Chuyến bay chỉ kéo dài 45 phút bằng máy bay thân hẹp Boeing 737-800 của KLM. Năm 2009, KLM sinh nhật thứ 90, khẳng định là hãng hàng không dân sự lâu đời nhất thế giới.

Chỗ ngồi cạnh cửa sổ cũng là chọn lựa số một vì vào mùa xuân, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Schiphol, bạn sẽ thấy hiện ra dưới chân mình những tấm thảm màu khổng lồ tạo nên bởi vô vàn những luống hoa tulip, hồng, ly, cẩm chướng...

Hành trình Amsterdam - Bangkok

Hầu như hành khách nào đến và đi từ sân bay Schiphol cũng cảm thấy thật dễ chịu mặc dù Schiphol tiếng Hà Lan có nghĩa là “địa ngục của tàu thuyền” (khi đào đất xây dựng sân bay, người ta phát hiện ở đây rất nhiều xác tàu).

Không bao la như CDG, mà chỉ có ba nhà ga tập trung sát nhau, nhưng ở đây có rất nhiều khu vực bán hàng, ẩm thực, nghỉ ngơi, thậm chí có cả phòng cầu nguyện dành cho tín hữu của mọi tôn giáo, phòng giữ trẻ, phòng sinh hoạt của hành khách nhí lữ hành một mình, spa tốc hành. Ngoài ra, Schiphol còn nổi tiếng là sân bay duy nhất có casino và chi nhánh Bảo tàng Rijksmuseum. Sân bay này từng được Skytrax bình chọn là "Sân bay xuất sắc nhất thế giới".

Sau khi lấy thẻ lên tàu, gửi hành lý vào bụng máy bay, thu hồi tiền thuế cho những món hàng đã mua ở Paris và Amsterdam, chúng tôi thư giãn, nhâm nhi ly champagne và ăn nhẹ trong Crown Lounge, một phòng chờ mà KLM dành phục vụ hành khách “có đóng góp lớn” vào tổng doanh thu của hãng.

Ăn ngon, hạng thương gia Air France - Ảnh: Ng. Dung

Mừng vì trong đó vẫn còn một không gian thoáng mát, tiện nghi, nhìn ra sân bay dành riêng cho những hành khách chưa thể từ bỏ thói quen hút thuốc. Và vui vì tấm thẻ hành khách bay thường xuyên Flying Blue của AF-KLM, dù chỉ ở mức Silver (bạc) cũng đã giúp chúng tôi không phải nộp một khoản tiền cho 10kg hành lý vượt quá mức cho phép.

Máy bay về Bangkok cũng là một chiếc B747-400. Như lâu nay, khúc lưng gù vẫn là không gian của hạng thương gia còn phần mũi máy bay, trước đây thường dành cho hành khách hạng nhất hoặc hạng thương gia, nay thiết kế chỗ 3 - 2 cho hành khách hạng phổ thông. Một phần ba không gian còn lại của chiều ngang cabin được ngăn thành nơi các tiếp viên dọn thức ăn, thức uống.

Thức uống cũng có những chai vang Chilê nhỏ xinh nhưng vẫn đựng trong chai thủy tinh. Dù đã là một công ty chung nhưng AF và KLM vẫn giữ các nét riêng biệt, gồm thương hiệu, logo, đồng phục của tiếp viên, các mặt hàng miễn thuế trên chuyến bay... và mỗi hãng tiếp tục khai thác những đường bay sinh lợi nhất.

Hành trình Bangkok - Sài Gòn

Sau gần 10 tiếng bay, máy bay hạ cánh xuống Suvarnabhumi lúc trưa. Phải nhanh chân di chuyển đến cổng khác hòng kịp lên tàu lúc 13g10 để cất cánh bay về Sài Gòn trên một chiếc B747-400 của AF vào lúc 13g55. Chuyến bay này vẫn mang ký hiệu AF164 như bao lâu nay và hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc 15g25.

Bay liên danh AF-VN

Với bề dày 64 năm bay đến Việt Nam, AF tiếp tục tăng cường hoạt động ở thị trường này với thỏa thuận hợp tác liên danh với Vietnam Airlines (VN).

Từ 3/7/2010, AF sẽ có mỗi tuần ba chuyến bay liên danh không dừng (non-stop) từ Paris đi Hà Nội hoặc TP.HCM. Mang ký hiệu AF nhưng ba chuyến bay này sẽ được khai thác bằng máy bay Boeing 777-200 của Việt Nam.

Như vậy, mỗi tuần AF sẽ có sáu chuyến bay Paris - Hà Nội (nay ba chuyến/tuần) và bảy chuyến Paris - TP.HCM (nay bốn chuyến/tuần). Đây là bước định vị phù hợp của AF trong bối cảnh Việt Nam sắp trở thành hãng thành viên chính thức thứ 10 của liên minh hàng không Skyteam (AF là một trong số bốn hãng nòng cốt).

Ngoài ra, kể từ tháng 11/2010, các chuyến bay của AF đến Việt Nam sẽ đều là những chuyến bay non-stop, những chiếc B747-400, A340 cũng sẽ được thay bằng B777-300ER.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuyên suốt từ Sài Gòn đến Paris và Amsterdam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO