Thư Istanbul

Thu Trân| 09/10/2019 09:15

Được xem là một trong những quốc gia thuộc khối NATO vững vàng trước cơn lốc suy thoái chông chênh của khối EU, nhưng sự bình yên sau những khủng hoảng về chính trị quân sự của đất nước có nền văn minh lưỡng hà cổ đại này cũng không vực nổi nền công nghiệp không khói ngày một ngày hai.

Thư Istanbul

Sau thời gian dài ngủ đông, chính thức từ tháng 3/2017, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở cửa du lịch hướng thị trường về châu Á sau khi cắt nguồn lực khá dồi dào từ nguồn du khách hàng xóm nước Nga do những xung đột về quân sự.

Lại hai thằng anh em môi hở răng lạnh truyền kiếp đổ khách về Istanbul nhiều nhất. Máu tiêu xài, du lịch ngang nhau, nhưng do thằng anh kết nghĩa cắt máu ăn thề bằng tâm thế kẻ trên người trước có dân số lên đến hàng tỉ, nên đi đâu, dù hai đứa đi chung nhưng dân du mục của vùng thảo nguyên bát ngát tận chân trời cũng chỉ chào nị hổ. Được cái thức ăn du mục khó nuốt như cái kiểu súp bí đỏ toàn nước ăn với bánh mì khô nên hai thằng luôn có chung một nỗi buồn về ẩm thực. 

Xứ Việt Nam rừng vàng biển bạc chắc cũng nên học tập cái kinh nghiệm phục hồi du lịch của chính phủ xứ gà tây. Nước chủ nhà chấp nhận thu nhập âm cho các dịch vụ vé bay, xe đưa đón, khách sạn, ăn uống... bằng hình thức trợ giá cho các doanh nghiệp du lịch sở tại hoặc liên kết để đưa chân du khách đến xứ sở mình nhằm hâm nóng lại hoặc khám phá những kỳ quan thế giới, những đền đài có tuổi hàng ngàn năm, những trạm nghỉ chân của đàn lạc đà trên thảo nguyên gió cát... Được vậy, nên chỉ trong vòng vài năm, lượng du khách đổ về Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá con số 25.000 như chỉ tiêu mong đợi.

Một đất nước đứng gác chân lên cả hai bờ Á - Âu cũng là điểm hấp dẫn của Turkey. Bạn đứng bên này eo biển Marmara để nghe đôi bờ Địa Trung Hải và Biển Đen hợp lưu cũng đủ để thấm thía điều vì sao Turkey luôn là một đất nước bi tráng trong tất cả các cuộc xung đột vùng miền cũng như trên phạm vi toàn cầu. Kể cả cái vị trí giáp các nước luôn luôn bị căng thẳng bởi xung đột tôn giáo và chính trị như Syria, Iran, Iraq... về phía đông và đông nam cũng là điều gây hiếu kỳ nhân loại.

Nhưng thực ra cái tỉ lệ 30% kinh tế cả nước là công nghiệp cũng chưa gánh nổi và vực dậy được cái khoản 70% nông nghiệp và dịch vụ còn lại. Gốm sứ lưỡng hà và thảm nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong thời kỳ đóng băng đầu ra triền miên. Những showroom sang trọng lấp lánh sắc màu của men gốm, của thảm... có giá trưng bày ngàn đô cũng chưa phải là nơi chắc giá. Một bộ ly uống rượu đẹp cực kỳ kêu giá 1.400 đô, nếu bạn trả 400 đô, thì coi chừng... bị bán (!). Ông chủ bảo rằng không thể giữ lòng tin khách hàng bằng cách không... siêu giảm giá được, vì ông cần tiền để quay vòng sản xuất với những dòng sản phẩm bị đóng băng quá lâu. 

Mạng internet ở xứ gà tây cũng chập chờn và quý hiếm như một số nước châu Âu khác. Nhiều khách sạn lớn ở Istanbul kết nối wifi với khách hàng bằng số passport cá nhân. Cũng là một cách kiểm soát an ninh bắt mệt. Nhưng vẫn chập chờn điện nước. Cái hoa xoay trên góc trang web thừa sức xoay xoay từ đầu hôm đến sáng… 

Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một vùng đất sang trọng về văn hóa và lịch sử cổ đại mà bạn nên đặt chân đến. Còn gì đáng “nổ” hơn khi bạn bảo, tôi vừa trở về từ huyền thoại của cỗ ngựa gỗ thành Troy và chiếc nôi của gốm sứ lưỡng hà…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thư Istanbul
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO