Surabaya, nơi cá mập vờn cá sấu

THIÊN Ý| 25/04/2013 00:20

Đông Nam Á có một địa danh đáng nể, nơi mà "Sura" (tức cá mập) và "Baya" (là cá sấu) vờn nhau trong một cuộc giao tranh để tìm ra vị chúa tể dũng mãnh nhất.

Surabaya, nơi cá mập vờn cá sấu

Đông Nam Á có một địa danh đáng nể, nơi mà "Sura" (tức cá mập) và "Baya" (là cá sấu) vờn nhau trong một cuộc giao tranh để tìm ra vị chúa tể dũng mãnh nhất. Nơi ấy là Surabaya, thành phố lớn thứ hai của đất nước vạn đảo Indonesia. Tại đó, tôi được trải qua cảm giác nghẹt thở trên đỉnh núi lửa Bromo đang cuồn cuộn nhả khói, và ngược dòng lịch sử để khám phá thời cực thịnh của vương triều Hindu cuối cùng Majapahit.

Đọc E-paper

Cưỡi ngựa lên đỉnh Bromo

Tôi và những đồng nghiệp đến từ Hà Nội và Đà Nẵng bay đến Surabaya theo lời mời của SilkAir (hãng bay trực thuộc Singapore Airlines).

Hành trình thật thuận tiện, chưa đầy 3 giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại sân bay quốc tế Juanda để bước vào một chuyến khám phá hứa hẹn rất gian nan, vất vả nhưng chắc chắn sẽ vô cùng thú vị ở phía Đông đảo Java này.

Chúng tôi có thêm một chút tự hào khi nghe Sam, người dẫn đường với hơn 25 năm kinh nghiệm, cho biết đây là đoàn khách Việt đầu tiên thực hiện chuyến khám phá Surabaya, thành phố cổ nhất của Indonesia với 780 năm tuổi.

Chinh phục Bromo

Rời sân bay khi trời xẩm tối, bữa tối mang đậm phong vị ẩm thực địa phương gây ấn tượng mạnh với món cơm chiên Nasi Gorang Jancuk, tạm dịch là "cơm chiên quỷ sứ".

Bởi dù đã được Sam dặn dò đây là món cơm chiên rất cay, cay đến độ người bản xứ khi ăn vào phải phát ra câu chửi "Jancuk" (đồ quỷ) nhưng chúng tôi, người ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều không ai hình dung ra nổi vị cay của món cơm chiên này lại khủng khiếp đến thế.

Surabaya là một hành trình khám phá hiếm hoi mà tôi từng trải nghiệm có giờ khởi hành thật đẹp: 00:00:00, vì điểm đến của hành trình đầu tiên này cũng là điểm đặc biệt - chinh phục đỉnh núi lửa Bromo vẫn đang âm ỉ hoạt động.

Du khách theo các nấc thang để lên đỉnh Bromo

Muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp và sự oai dũng của Bromo, khởi hành đêm là sự lựa chọn hoàn hảo, bởi còn gì bằng khi được nhìn thấy Bromo nhả từng đụn khói, sáng rực lên dưới ánh bình minh.

Giấc ngủ chập chờn trên xe buýt chỉ kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, Sam khua mọi người dậy vì đến giờ chuyển xe. Tôi lục đục theo mọi người chuyển sang từng chiếc xe jeep, cứ 5 người/xe, cả đoàn lại lao vào màn đêm trên con đường làng nhỏ hẹp.

Thêm 2 giờ lắc lư với những khúc cua tay áo dần lên núi cao, hơi lạnh buốt xộc vào da thịt khiến ai nấy run cầm cập, đầu óc quay cuồng vì thiếu ngủ, say xe. Thật là một cảm giác không dễ chịu tí nào.

Cả Java có khoảng 40 ngọn núi, hơn phân nửa là núi lửa, trong số đó Bromo là núi lửa đang hoạt động, có phong cảnh đẹp nhất, thế nên nếu có phải hành xác để đến Bromo thì cũng xứng đáng.

Dưới cái lạnh 15 độ C trên đỉnh Penanjakan (2.770m), ai nấy co ro hướng về đỉnh Bromo (2.329m) phía dưới để chờ thời khắc bình minh lên.

Sau bình minh, hành trình khám phá Bromo vẫn tiếp tục, cả đoàn rời đỉnh Penanjakan, băng qua biển cát đen tạo thành từ các đợt phun trào nham thạch để đến chân núi Bromo.

Từ chân núi, muốn lên miệng núi lửa, cách tiện nhất là cưỡi ngựa, mất khoảng 25 phút để đến lưng chừng núi, xuống ngựa leo tiếp 245 bậc thang dốc đứng nữa mới đến miệng núi lửa, "tận hưởng" hơi nóng cùng mùi lưu huỳnh hăng hắc xộc lên mũi sau mỗi lần Bromo phả khói lên bầu trời.

Cảm giác thật mãn nguyện sau một đêm trắng với hành trình đầy vất vả để được đứng ở đây, ngay kề bờ vực núi lửa, thỏa chí tận hưởng vẻ đẹp ngoạn mục của Bromo.

Gốm Việt ở làng Trowulan

Nếu như hành trình lên núi lửa Bromo là một trải nghiệm với thiên nhiên hoang sơ và không kém phần nguy hiểm, thì chuyến về miền cố đô Trowulan lại là một hành trình khám phá bề dày văn hóa, lịch sử của vương triều Hindu giáo cuối cùng Majapahit trên xứ vạn đảo, một vương triều có nhiều gắn kết với văn hóa Chămpa ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Quang cảnh Bromo

Majapahit từng là một vương triều Hindu giáo cực thịnh, kéo dài từ 1293 - 1527, có tầm ảnh hưởng lớn, đặc biệt là mạng lưới giao thương trải rộng trong khu vực Đông Nam Á.

Các đoàn thuyền buôn Chămpa, Bồ Đào Nha từng rời cảng Hội An, hay Thị Nại, Nước Mặn (Bình Định) dưới vương triều Vijaya của Việt Nam để đưa các dòng đồ gốm sứ (gốm Gò Sành - Bình Định, gốm Chu Đậu - Hải Dương ngày nay) giao thương với thế giới, trong đó có Java, cụ thể là Trowulan.

Từ Surabaya mất gần 2 giờ đi xe buýt để đến ngôi làng Trowulan, nay trở thành vùng đất khảo cổ học, với diện tích khảo cổ lên đến 100 cây số vuông, chứa đựng rất nhiều đền tháp, bể tắm hoàng cung, cổng chào, hồ chứa nước, thành quách, nhà ở, làng mạc liên quan đến vương triều Hindu giáo hùng mạnh Majapahit.

Trong số các điểm đến ấy, gây ấn tượng với tôi hơn cả là hai di chỉ khảo cổ: Khu lăng mộ của công chúa Chămpa và Trung tâm thông tin về vương triều Majapahit (còn gọi là Bảo tàng Sejarah).

Khu lăng mộ Putri Chămpa là nơi yên nghỉ của một công chúa đến từ Thủy Chân Lạp (thuộc Campuchia ngày nay), được một vị vua ở Trowulan lấy làm vợ.

Tương truyền người anh của công chúa ấy chính là Jayavarman II - người có công thống nhất các tiểu quốc ở Thủy Chân Lạp, tuyên bố nền độc lập năm 802, đặt nền móng xây dựng đế chế Khmer của nền văn minh Angkor.

Jayavarman II chính là người đã xây nên công trình dòng sông ngàn Linga trên đỉnh núi Kulen trong khu quần thể công viên Angkor thuộc tỉnh Siem Riep ngày nay.

Các hiện vật khai quật ở Bảo tàng Sejarah

Bảo tàng Sejarah nay là nơi lưu giữ hầu hết các hiện vật khai quật tại Trowulan. Điểm khiến tôi đặc biệt quan tâm tới di chỉ này chính là những dòng gốm sứ khai quật được có nguồn gốc từ Việt Nam.

Đó là các hộp phấn gốm cổ Gò Sành và rất nhiều thủy trì, các mảnh đĩa lớn mang hoa văn cánh sen, vẽ chàm xanh trên nền cốt thai trắng ngà, đáy phủ một lớp men nâu màu sôcôla quen thuộc của dòng gốm cổ Chu Đậu.

Những hiện vật cổ này là một bằng chứng rõ ràng về con đường tơ lụa trên biển, với những chuyến tàu buôn nhộn nhịp kết nối các cảng thị trải dài từ châu Âu, Ấn Độ sang Việt Nam đến Java...

Do núi lửa, lũ bùn, động đất tàn phá, khu di tích Trowulan nay không còn nhiều di chỉ nguyên vẹn, nhưng những gì còn lại từ các hiện vật khảo cổ, các khu khai quật, các thể loại tượng thờ, các mảng điêu khắc trên đá cùng những hiện vật xuất xứ từ Việt Nam... đã đem lại thật nhiều thông tin bổ ích, góp thêm cho hành trình khám phá Surabaya của tôi một điểm đến mới thú vị và hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Surabaya, nơi cá mập vờn cá sấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO