Lời tòa soạn: Du lịch một mình đã và đang trở thành xu hướng được nhiều người yêu xê dịch theo đuổi. Đi có bạn vẫn rất vui, nhưng đi một mình cũng có cái thú của nó. Bên cạnh những trải nghiệm độc đáo ở nơi mới mẻ, du lịch một mình còn giúp bạn tìm lại những khoảng lắng cần thiết, cỗ vũ bạn bước ra khỏi vùng an toàn. Trong cuốn sách mới nhất mang cái tên đầy ẩn dụ Trăng mật với bản thân- Bí kíp du lịch một mình, thuộc tủ sách Wings Books do NXB Kim Đồng ấn hành, hot travel blogger Lý Thành Cơ đã chia sẻ nhiều mẹo bỏ túi khi du lịch một mình, cũng như giới thiệu các địa điểm ấn tượng và thích hợp để bạn đọc trải nghiệm hình thức mới mẻ này. Được sự đồng ý từ NXB và tác giả, Doanh nhân Sài Gòn trích đăng một vài bí kíp hữu ích khi đi du lịch một mình cũng như giới thiệu một số địa danh du lịch trong nước để bạn đọc tham khảo cho chuyến đi cuối năm. Mời quý độc giả đón đọc. Bài viết Sóc Trăng cổ kính với những ngôi chùa nằm trong phần 4 của quyển sách với tên Ngang dọc Việt Nam, tiểu mục Miền Tây. Phần 1: An Giang thơ mộng Phần 2: Về Cần Thơ trôi trên sông và yêu thêm những câu hò |
Tại những ngôi chùa của Sóc Trăng, tôi không cảm thấy cô độc vì luôn có dòng người hành hương đông đúc và nhộn nhịp.
Chùa Som Rong đầy màu sắc
Ngôi chùa đầu tiên vốn dĩ cách chùa hiện tại 1 km, làm bằng lá tranh đơn sơ, nhưng sau này được quyên góp làm thành công trình kiến trúc đồ sộ như bây giờ. Các công trình ở đây đầy màu sắc với nhiều tượng, phù điêu ấn tượng. Nhưng nổi bật nhất vẫn là kiến trúc trắng phau trong trẻo. Tôi thích nhất là những gian sinh hoạt chung mát mẻ và thoáng đãng, dưới cái nóng của nắng miền Tây nhưng vẫn cảm thấy mát rượi.
Chùa Kh’leang với kiến trúc độc đáo
Tác giả Lý Thành Cơ trong khuôn viên chùa Kh'leang |
Ngôi chùa nằm trong một khuôn viên rộng lớn với nhiều hàng cây thốt nốt bao quanh tạo nên một không gian Khmer đặc trưng. Chỉ cần bước qua cổng chính ở đường Tôn Đức Thắng, du khách như rơi vào một bóng râm khổng lồ. Điều thú vị của ngôi chùa này chính là ở phần chính điện có mái được chạm trổ hoạ tiết động vật màu vàng, nhưng cột trụ lại được thiết kế theo thức cột Corinth của kiến trúc Hy Lạp, tạo nên dấu ấn kiến trúc độc đáo so với những ngôi chùa khác. Cũng không ngạc nhiên khi Kh’leang được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngôi chùa làm bằng chén kiểu
Nằm xa về phía nam thành phố Sóc Trăng, công trình này độc đáo với những hoạ tiết, hoa văn làm từ những tô chén màu sắc, và đặc biệt những hoạ tiết mosaic trên chùa còn được tạo nên bằng những mẩu chén, đĩa bị đập vụn ra. Chùa có tên Khmer là “Wath Sro Loun”, vì lí do tiện phát âm, từ “Sro Loun” được đọc nhanh thành “Sà Lôn”.
Họa tiết chén kiểu trở thành dấu ấn độc đáo trong việc trang trí Chùa Sro Loun |
“Sro Loun” lại có nguồn gốc từ chữ “Chro Luong”, là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là “chùa Chén Kiểu” là do dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí. Đến năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành. Nhưng do thiếu kinh phí, nên nhà chùa có sáng kiến dùng chén đĩa kiểu để trang trí phần sau ngôi chánh điện. Cái tên chùa Chén Kiểu bắt nguồn từ đó.
Chùa Dơi
Chánh Điện chùa Dơi. Ảnh: Wiki |
Nơi đây có thể nói là nổi tiếng nhất Sóc Trăng, vì xung quanh chùa có một cánh rừng với chủ yếu là các cây sao và dầu, trong đó có hàng vạn con dơi đang sinh sống. Cứ chiều đến hàng vạn con dơi lại kéo về sân chùa che kín cả bầu trời. Chữ “Dơi” trong tiếng Hán đồng âm với chữ “Phúc” trong “phúc lộc”. Các vị sư ở đây cho rằng việc dơi đổ về chùa là phúc lành nhà Phật cho ngôi chùa này nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi. Bạn chỉ cần đi ra sau chính điện sẽ thấy được bầy dơi này.