Muscat - viên kim cương Trung Đông

HUYỀN ANH/DNSGCT| 19/01/2015 04:13

Thủ đô của Vương quốc Oman chào đón du khách bằng vẻ hiện đại xen lẫn với không gian kiến trúc Ba Tư truyền thống.

Muscat - viên kim cương Trung Đông

Từ du thuyền, chúng tôi đặt chân xuống cảng Mina Quaboos khi màn sương sớm bao phủ thành phố Muscat còn chưa tan hết. Phía sau bến cảng mênh mông tấp nập tàu thuyền, xe cộ đời mới là những dãy nhà trắng toát tựa mình vào núi non trùng điệp.

Đọc E-paper

Thủ đô của Vương quốc Oman chào đón du khách bằng vẻ hiện đại xen lẫn với không gian kiến trúc Ba Tư truyền thống.

Quê hương của chàng Sinbad

Nhiệt độ ngoài trời lúc này gần 50 độ C nhưng nhiều người không nhớ là mình đang đi trong sa mạc. Hai bên đường xanh rợp bóng cọ, vỉa hè hoa nở tràn trề. Anh bạn người Oman khoe rằng hai năm rồi trời không mưa, vậy mà Muscat vẫn chẳng thiếu kỳ hoa dị thảo.

Toàn bộ nước sinh hoạt, tưới cây ở đây đều lọc từ nước biển. Cơ sở hạ tầng và tiện nghi ở Muscat chẳng kém gì Dubai nhưng kiến trúc thành phố thì hoàn toàn khác biệt.

Nhà cửa, dinh thự không được xây cao quá chín tầng, tất cả phải sơn màu trắng và theo phong cách Ba Tư từ vòm cửa, cầu thang, lối vào…

Có thể nói trên toàn bán đảo Ả Rập, Muscat và những thành phố ở đất nước Oman là nơi mà bầu không khí của Nghìn lẻ một đêm vẫn còn đậm nét nhất.

Dân Oman tôn thờ đức vua nên chúng tôi được đưa đi thăm cung điện Hoàng gia đầu tiên. Ai nấy không khỏi trầm trồ trước lâu đài Trung Đông nguy nga đồ sộ và rộng mênh mông. Ngay cả lòng lề đường dẫn vào cổng cung điện cũng được lát đá hoa cương tạo hình tranh ảnh tuyệt đẹp.

Hai bên lối đi trồng hoa tươi đủ màu tím đỏ càng làm nổi bật sắc trắng của những bức tường cẩm thạch lộng lẫy. Cung điện hoàng gia có một mặt giáp biển, mặt kia giáp dãy núi đá với hai pháo đài Mirani và Jalali cổ kính.

Mái vòm của tòa lâu đài được sơn hai màu xanh và vàng, tượng trưng cho màu của biển cả và ánh mặt trời.

Quốc vương Sultan Qaboos có bảy cung điện như thế này nhưng không một người dân nào than phiền về chuyện chi tiêu của ngài. Dân Oman yêu kính vua vô bờ bến, bởi ông là người đã đưa đất nước này từ những làng chài chỉ biết đánh cá và bắt trai lấy ngọc trở thành một trong những nơi giàu đẹp bậc nhất Trung Đông.

Trong lịch sử, Oman có thời vô cùng thịnh vượng nhờ đi tiên phong trong nghề hàng hải. Sohar, một thị trấn cách thủ đô không xa chính là quê hương của chàng thủy thủ Sinbad lừng danh.

Làm nên sự giàu có của Oman ngày nay tất nhiên phải kể đến dầu mỏ. Tuy nhiên so với Dubai, Oman đầu tư vào giáo dục sớm và quy mô hơn rất nhiều. Cũng là quốc gia Hồi giáo nhưng Oman có hơn 30% phụ nữ làm việc trong các ngành dành cho người bản xứ.

Dù số lượng người nhập cư vẫn đông song nền kinh tế đất nước ba triệu dân này hầu như không còn dựa vào chất xám ngoại nhập.

Nếu đến Dubai du khách không dễ tiếp cận người bản xứ thì ở Oman, sự hiếu khách, thân thiện đã trở thành bản sắc. Bản sắc ấy có khi còn hấp dẫn hơn hàng loạt cảnh đẹp diễm lệ nước này.

Sự thân thiện của dân địa phương có lẽ không đâu thể hiện rõ nhưở chợ. Dù đã đi qua nhiều khu chợ di sản của nền văn minh Hồi giáo Ba Tư nhưng Muttrah vẫn để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu đậm.

Đặt chân vào lối đi dưới mái vòm lát kính in hoa văn rực rỡ, nghe mùi trầm hương, mùi gia vị và mùi trà kahwa hòa quyện nhiều người tưởng mình là nhà buôn trong truyện xưa.

Hàng hóa, trang phục người bán người mua, cách trả giá gợi lại không khí của Nghìn lẻ một đêm. Nam nữ đều mặc áo chùng dài, nữ đeo mạng, nam đội nón. Trang phục được may bằng lụa óng ả và có những chi tiết trang trí kín đáo mà tinh xảo.

Chúng tôi thích đi vào những lối nhỏ san sát các gian hàng. Chợ Ba Tư nào cũng quanh co huyền bí như mê cung. Các chủ tiệm đa số là đàn ông Oman chính gốc đẹp trai và nói chuyện nhỏ nhẹ. Họ không nói thách nhiều và thường vui lòng trả lời cặn kẽ về xuất xứ của từng món đồ.

Những ai có thú sưu tầm có thể chìm đắm hàng giờ trước các quầy trang sức, tẩu thuốc, hàng lưu niệm. Mấy cô gái trẻ mê mẩn với cửa hàng bán đồ cưới.

Nghi thức cưới xin ở Muscat vẫn theo truyền thống được tổ chức long trọng và không thể thiếu khâu mua sắm tại chợ Muttrah. Trong cửa hàng cô dâu vàng bạc trang sức thôi thì đủ kiểu lấp la lấp lánh, ngoài ra là khay hộp bằng gỗ quý, lụa là, nước hoa ngào ngạt…

Vườn nhiệt đới trên sa mạc

Đứng ở đường phố nào tại Muscat người ta đều nhìn thấy nóc vòm khổng lồ dát vàng chói lọi của nhà thờ Sultan Qaboos. Kiến trúc Hồi giáo này được xây từ 300 ngàn tấn đá cẩm thạch trắng và có sức chứa đến 20 ngàn tín đồ.

Chỉ chiếc thảm trong sảnh chính cũng cần đến 600 công nhân dệt ròng rã suốt bốn năm trời mới xong. Tấm thảm khổng lồ này tất nhiên là tuyệt mỹ, gần 30 màu sắc trên thảm đều nhuộm màu thực vật và tất cả hoa văn đều dệt theo lối cổ thủ công.

Đối diện với thảm là một báu vật quý giá không kém: Chiếc đèn chùm pha lê Swarovski cao 14 mét khiến cả gian phòng mênh mông lúc nào cũng rực sáng mê hoặc. Căn phòng cao 50 mét phủ kín họa tiết cầu kỳ, mái vòm khảm đá xanh dương, cửa ra vào bằng gỗ chạm khắc tỉ mỉ, cửa sổ hàng trăm ô bằng kính đủ màu.

Tuy sở hữu thánh đường vương giả bậc nhất Trung Đông nhưng dân Oman không hoàn toàn tuân theo những quy định của đạo Hồi. Buổi tối tại các quán bar và nhà hàng, nam giới xứ này vẫn bia rượu vui vẻ. Nhiều thanh niên còn lắc lư theo tiếng nhạc hiện đại dù trên người vẫn quần chùng áo dài, khăn nón đầy đủ!

Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất ở sa mạc Oman không phải là những đền đài kỳ vĩ mà là những vườn cây nhiệt đới xanh tốt chẳng kém quê nhà. Con đường từ thủ đô ra sân bay đi ngang vườn dừa xanh bạt ngàn, rồi vườn đu đủ, vườn chuối nõn nà trồng ngay hàng thẳng lối.

Hệ thống dẫn nước tưới cây xứ này đã làm được công việc tưởng chỉ có trong truyện thần tiên. Giữa sa mạc khô khát, chúng tôi được uống nước dừa tươi mới hái bày bên cạnh chuối, đu đủ trong trạm bán trái cây ven đường.

Quày dừa chục trái thoáng cái đã được chặt gọn gàng mời khách, nước dừa ngọt lịm. Nếu không có mấy anh bán hàng mày rậm mắt sâu, mặc áo trắng tinh dài chấm đất thì tôi đã tưởng mình đang ở đâu đó trên miền Tây Nam bộ.

Oman lớn gần bằng Việt Nam nhưng có đến 75% diện tích là sa mạc, hơn 20% là núi non, đồng bằng chỉ chiếm 3%. Hệ thống đường cao tốc xuyên sa mạc, xẻ dọc núi đi êm như mơ. Lưu thông trên đường toàn xe hơi đời mới. Trung bình một gia đình ở Oman sở hữu ba chiếc xe hơi.

Đây là nỗi khổ của du khách vì giao thông công cộng nước này không phổ biến, taxi thì cực kỳ đắt đỏ. Dù vậy, lượng khách quốc tế đến với Oman vẫn ngày một nhiều. Sâu trong sa mạc có nhiều thị trấn cổ, ốc đảo và thắng cảnh núi non ngoạn mục.

Dọc theo 1.700km đường biển là 500 pháo đài, lâu đài, tháp canh nằm rải rác – dấu vết của thời kỳ Oman nằm trong tay người Bồ Đào Nha.

Oman mở cửa với khách du lịch vẫn chưa lâu, thế nên những di sản đó chỉ mới bắt đầu được khám phá!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muscat - viên kim cương Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO