Lý Sơn nguyên vẹn thủa ban đầu

THIÊN THANH| 09/05/2013 09:31

Cuối tháng 4, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lý Sơn nguyên vẹn thủa ban đầu

Cuối tháng 4, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đọc E-paper

Kèm theo đó, một cuộc hội thảo tầm quốc tế được tổ chức tại Quảng Ngãi đã nhấn mạnh thêm tinh thần người Việt chưa bao giờ ngưng đấu tranh cho mảnh đất ruột thịt giữa trùng dương về với đất mẹ.

Hình thành từ cách đây khoảng 400 năm, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được 13 dòng họ trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức vào ngày 19/3 Âm lịch hằng năm để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa đã hy sinh khi phụng mệnh triều đình ra quần đảo này thu hồi sản vật, đo đạc hải trình, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Suốt bốn thế kỷ qua, dù chẳng được quan tâm đầu tư, chỉ đạo, nhưng những ngư dân Lý Sơn vẫn cứ tưởng nhớ cha ông mình bằng việc giữ nghi lễ tâm linh này như một giá trị tinh thần vô giá của cư dân biển đảo. Đến nay, khi Biển Đông nổi sóng, một lần nữa, tinh thần người xưa truyền lại càng có giá trị lịch sử văn hóa.

Buổi sáng hôm ấy, Lý Sơn như chao đi trong tiếng trống dội gọi những hùng binh năm xưa từ đáy biển trở về. Ngư dân Lý Sơn thả xuống biển những chiếc tàu làm theo mô hình tàu cổ và hình nhân thế mạng, tưởng nhớ người xưa và động viên người nay mạnh chân khỏe bước ra giữa trùng khơi giữ ngư trường, giữ chủ quyền biển đảo.

Tôi từng đến đảo Lý Sơn từ ngày nơi đây nối với đất liền bằng con tàu chợ cũ nát. Những năm tháng ấy Lý Sơn còn vật vã trong cái nghèo, mộ gió của các cai đội triều đình chỉ là tấm bia và nấm cát, cái tên Hoàng Sa ít được nhắc nhở, nhưng đình làng An Vĩnh vẫn diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, người Lý Sơn vẫn luôn dạy cho con cháu mình biết ngoài trùng khơi còn một mảnh đất của tiền nhân để lại bằng một nghi lễ tâm linh đặc biệt.

Có phải chính lễ nghi mang tính tâm linh này là rường mối cột chặt các thế hệ ngư dân trẻ tiếp nối ra ngư trường quen thuộc, nơi bão tố và hiểm họa ngoại xâm luôn đe dọa?

Và trong tôi vấn vương một câu hỏi: Tại sao các vua chúa xưa chọn người Lý Sơn đưa ra giữ đảo? Câu trả lời dường như nằm trong các tầng văn hóa lịch sử người Lý Sơn hôm nay còn giữ. Chỉ là một hòn đảo nhỏ với hầu hết người dân làm nghề đánh cá, nhưng Lý Sơn là một ngôi làng nhiều trầm tích văn hóa sâu lắng.

Đó là những ngôi nhà rường nhiều trăm năm với lối kiến trúc đẹp và được hình thành bởi bàn tay tài hoa của thợ thủ công. Trong nhiều ngôi nhà, khách sẽ ngạc nhiên khi thấy những tủ sách hàng nghìn bản được gìn giữ từ đời này qua đời khác.

Ở đó sách cổ, bản đồ hàng hải, chiếu thư của triều đình đều được bảo vệ kỹ lưỡng. Có thể với nền tảng đó, người Lý Sơn có những phẩm chất đặc biệt được lựa chọn ra đi giữ đảo?

Năm nay, khi Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra, các tour du lịch đã kết nối được sự kiện và lần đầu tiên đảo Lý Sơn tràn ngập khách du lịch trong và ngoài nước.

Lý Sơn có hơn 100 di tích văn hóa, lịch sử và có nghi lễ khao lề thế lính, một lễ hội cổ vũ và tri ân tinh thần yêu nước của người Việt, chỉ mong rằng lễ hội ấy sau khi được nâng cấp "quốc gia", chuẩn bị được quảng bá ra thế giới vẫn sẽ nguyên vẹn tinh thần của buổi ban đầu, đừng thêm thắt quá nhiều những hội hè hiện đại để mưu cầu lợi lộc, làm xáo trộn tâm can những thế hệ đã từng dấn thân vào lòng biển của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý Sơn nguyên vẹn thủa ban đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO