Lữ hành và hấp lực hàng miễn thuế

P. NGUYỄN DŨNG| 23/08/2013 08:56

Hàng miễn thuế (duty free) luôn có hấp lực rất lớn trong các chuyến lữ hành quốc tế.

Lữ hành và hấp lực hàng miễn thuế

Năm 2012 qua, nếu bạn và gia đình đã đi du lịch hoặc đi làm việc ở nước ngoài thì chắc chắn bạn đã thuộc số hơn một tỷ hành khách qua lại các sân bay quốc tế và qua đó góp phần cho doanh thu của ngành bán lẻ lữ hành đạt mức cao kỷ lục. Hàng miễn thuế (duty free) luôn có hấp lực rất lớn trong các chuyến lữ hành quốc tế.

Đọc E-paper

>>Phòng chờ sân bay đẳng cấp dành cho doanh nhân
>>
Thư giãn, giải trí, học hỏi ở... sân bay
>>
Tuyệt vời ẩm thực sân bay
>>
Để đừng biến mình trở thành tội phạm tại cổng an ninh sân bay
>>
Tránh những rắc rối khi làm thủ tục xuất/nhập cảnh tại sân bay

Cửa hàng miễn thuế luôn cám dỗ

Hấp lực mạnh

Mặt trời vừa ló dạng, sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, đất nước Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đón những chuyến bay đầu tiên, và cửa hàng miễn thuế ở khu vực khách đến đã tấp nập khách hàng. Mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là rượu mạnh và vang.

Cả một mảng tường rộng lớn được phủ kín bởi những kệ chất đầy vang, cao đến trần nhà. Vang được trưng bày theo từng khu vực địa lý và từng quốc gia, trông thật bắt mắt, tỏa lực cám dỗ.

Mặt trời chưa tỉnh thức, mới 5g30 sáng nhưng khu kinh doanh duty free ở trước các quầy nhập cảnh ở sân bay quốc tế Darwin, miền Tây - Bắc nước Úc, cũng đã có khách chọn hàng. Hình như người nào cũng mua rượu mạnh và thuốc lá.

Từ sáng đến khuya, các cửa hàng miễn thuế trong khu vực khách đi ở các sân bay lớn tại châu Á như: Incheon, Changi, Suvarnabhumi, Hồng Kông, Kuala Lumpur... cũng luôn có nhiều khách mua.

Và đây cũng là chuyện thường ngày ở các sân bay lớn bên trời Tây, từ Paris Charles de Gaulle qua Amsterdam Schiphol đến Frankfurt, London, Zurich...

Cho nên mới có những con số rất đáng kể sau đây: theo điều tra của tạp chí chuyên ngành miễn thuế và bán lẻ lữ hành The Travel Retail Business (TRBusiness, thành lập năm 1997), trong năm 2012 qua đã có 502,9 triệu lượt hành khách qua lại 10 sân bay quốc tế tấp nập nhất thế giới, tức gần 70 triệu lượt khách nhiều hơn năm 2010.

Và không chỉ có sự gia tăng về số lượng hành khách mà hành khách cũng mua sắm nhiều hơn trong các sân bay, trung bình từ 3 -12%. Kết quả là doanh thu bán lẻ lữ hành ở tốp 10 sân bay tấp nập nhất thế giới đạt đến 9,2 tỷ USD, chiếm gần 1/5 tổng số tiền 49,4 tỷ USD thu được từ hoạt động bán lẻ ở mọi sân bay toàn cầu.

Xếp hạng nhất là sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, Hàn Quốc. Năm 2012, có 38,4 triệu lượt hành khách qua lại sân bay này, số tiền họ mua sắm tăng đến 15%, đạt 1,73 tỷ USD.

Rất đáng kể là riêng cửa hàng hàng hiệu deluxe Louis Vuitton ở khu vực đi của sân bay đã có doanh thu 92 triệu USD. Đa số khách mua hàng là du khách Trung Quốc.

Vang miễn thuế, khu vực khách đến, Sân bay Ataturk, Istanbul

Từ đầu mùa Hè 2012, thời điểm hãng Emirates Airline mở đường bay Dubai - TP.HCM, nếu bạn là du khách quá cảnh sân bay quốc tế Dubai thì có khả năng bạn đã mua sắm hàng duty free và góp phần làm cho sân bay này vọt lên hạng nhì trong bảng điều tra của TRBusiness.

Xử lý 57,6 triệu lượt hành khách, Dubai International Airport cũng có doanh thu hàng miễn thuế và bán lẻ lữ hành rất khả quan, cụ thể là 1,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011.

Hạng ba thuộc về sân bay quốc tế Heathrow ở London, năm 2012 tiếp đón 70 triệu lượt hành khách, doanh thu bán lẻ đạt 1,34 tỷ USD (khoảng 831,7 triệu bảng Anh).

Bảy thứ hạng tiếp theo là các sân bay quốc tế ở Hồng Kông, Singapore, Bangkok, Paris, Frankfurt, Amsterdam và Sao Paolo (sân bay Guarulhos).

Mới đây, Công ty Quản lý các sân bay ở Thái Lan cho biết kết quả doanh thu ngoài các dịch vụ chuyên ngành hàng không trong 9 tháng qua (tính đến hết tháng 6/2013) đã tăng gần 23%, đạt hơn 10,8 tỷ baht (khoảng 52,6 triệu USD).

Trong kết quả này, riêng doanh thu của King Power, một thương hiệu bán hàng miễn thuế rất quen thuộc với rất nhiều hành khách Việt từng qua lại các sân bay Don Muang, Suvarnabhumi, Phuket..., đã là 33,5 triệu USD.

Suy xét trước khi mua

Nhìn chung, một số mặt hàng miễn thuế ở các sân bay lớn, nổi tiếng khắp thế giới đều có giá bán lẻ rẻ hơn từ 10 - 20% so với giá bán ở trong trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn trọng vì cũng không thiếu những cửa hàng trong sân bay lợi dụng hấp lực của "duty free" để lừa hành khách cả tin. Một cái đồng hồ Rado bán trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay quốc tế của một nước nọ với giá 3.950 USD nhưng lại chỉ là 3.650 USD ở một duty free của sân bay quốc tế khác.

Hàng "duty free" chủ yếu là hàng miễn thuế nhập khẩu nhưng ở khá nhiều nước còn có ý là "tax-free" tức hoàn toàn không bị áp thêm các thứ thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế kinh doanh...

Khi mua hàng tax-free trong các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay ở các nước thuộc EU, xem như bạn được miễn các loại thuế từ 5 - 25%.

Hàng hiệu trong sân bay

- Hàng miễn thuế chỉ thực sự rẻ hơn nếu như đó là những mặt hàng sản xuất trong quốc gia A và được bán ở sân bay quốc tế cũng của quốc gia A. Hàng nhập về từ quốc gia B, bán trong sân bay của quốc gia A không thể rẻ hơn. Nên nhớ, giá thuê mặt bằng kinh doanh trong các sân bay thường không rẻ.

Và giá đắt rẻ còn tùy thuộc vào tỷ giá thường xuyên thay đổi của các ngoại tệ. Sau mấy chuyến du lịch Mỹ, đã có nhiều người nhận định: nước hoa (dù là loại hàng hiệu nổi tiếng) bán trong các mall, siêu thị rẻ hơn hàng bán trong các duty free ở sân bay Mỹ.

- Tốt nhất nên tránh mua các mặt hàng dạng chất lỏng, như nước hoa, shampoo, rượu, vang, kem dưỡng da... dù là hàng miễn thuế nếu như bạn sẽ phải quá cảnh ở một sân bay thứ ba (chẳng hạn mua chai rượu ở khu vực khách đi, sân bay Tân Sơn Nhất rồi bay đến Frankfurt làm thủ tục nhập cảnh châu Âu và sau đó bay nối chuyến đến Zurich).

Vì có rất, rất nhiều khả năng bạn sẽ phải chia tay với chúng. Sẽ rất khó thuyết phục được các "screener" (nhân viên rà soát, kiểm tra hành lý) ở nơi quá cảnh, nối chuyến.

- Đừng lầm tưởng rằng mọi sân bay quốc tế ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều có cửa hàng miễn thuế tại khu vực khách đến. Giống như ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài, hàng duty free không được chào bán cho khách nhập cảnh tại các sân bay vào... Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, các nước EU, Singapore.

Tổ chức Thuế quan Thế giới (World Customs Organization) cho biết, hiện chỉ có 117 sân bay ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hồng Kông, Đài Loan) có cửa hàng miễn thuế ở khu vực khách đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lữ hành và hấp lực hàng miễn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO