Liên kết phát triển du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long

Giang - T.Hợp| 31/12/2022 09:21

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm liên kết vùng đã đạt một số hiệu quả tích cực. Thế nhưng, nhiều chương trình kích cầu vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục hồi sau đại dịch Covid-19

Tại hội nghị tổng kết triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022 vừa diễn ra tại An Giang, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Năm 2022 là giai đoạn phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Nắm bắt cơ hội này, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ĐBSCL tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch. Đồng thời, hơn 500 doanh nghiệp du lịch - lữ hành của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã được tạo điều kiện kết nối với 13 đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch ĐBSCL".

Ngoài ra, TP.HCM và các tỉnh, thành đã triển khai nhiều hoạt động liên kết, trao đổi thông tin và xây dựng một số sản phẩm phù hợp với xu hướng du lịch mới. Đơn cử như sản phẩm du lịch "Ký sự từ sông Sài Gòn đến sông Tiền", chương trình du lịch đơn tuyến giữa TP.HCM và một tỉnh cụ thể; chương trình du lịch liên tuyến...". 

Đặc biệt, sau 9 tháng phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch, Việt Nam đã có hơn 96,3 triệu khách du lịch nội địa, cao hơn số khách cả năm 2019; trong đó, TP.HCM và ĐBSCL đón khoảng 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước. 

Thực tế đó chứng minh bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch từng địa phương, liên kết giữa TP.HCM với ĐBSCL đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch Covid-19. Đó cũng là động lực để 14 tỉnh, thành tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên kết trong thời gian sắp tới.

Riêng ngành du lịch khu vực ĐBSCL, năm 2022, tổng lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 44 triệu lượt, tăng 201,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9%. So với năm 2021, doanh thu du lịch vùng ĐBSCL ước đạt 33.977 tỷ đồng, tăng 216,9%. 

Du lịch phát triển đã tạo sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân ĐBSCL và tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, tỉnh An Giang đã có nhiều hoạt động xúc tiến ngành du lịch đáng ghi nhận. 

Trong năm 2022, tỉnh này đã tổ chức chương trình Caravan và tọa đàm du lịch với chủ đề "An Giang - sắc màu vùng biên". Bên cạnh đó là ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - đặc sản các vùng miền năm 2022 nhằm quảng bá những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của tỉnh.

Năm 2022, An Giang đón hơn 7,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 122% so với cùng kỳ và đạt 159% so với kế hoạch năm 2022. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ và đạt 153% so với kế hoạch cả năm.

[Caption]du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đang đứng trước cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển

Du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đang đứng trước cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển

Chương trình kích cầu du lịch chưa đủ hấp dẫn

Theo bà Phan Thị Thắng, mặc dù ngành du lịch trên cả nước đã khởi động lại hoạt động và đã có những kết quả khả quan về lượng khách du lịch nội địa, nhưng du lịch của TP.HCM và vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức trong giai đoạn mới - giai đoạn tăng tốc phát triển sau khi phục hồi. Các thách thức gồm: 

Thứ nhất là lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung chưa cao so với các nước trong khu vực. Việt Nam chỉ đón được khoảng 2,7 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đón 7,56 triệu luợt; Singapore đón 3,74 triệu lượt, Malaysia đón 4,5 triệu lượt, mặc dù Việt Nam tổ chức lại hoạt động du lịch và dỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm Covid-19 từ ngày 15/5/2022, sớm hơn các quốc gia khác trong khu vực. 

Thứ hai là mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng sản phẩm du lịch và các chương trình kích cầu du lịch của Việt Nam nói chung và cụm ĐBSCL nói riêng chưa mới và vẫn chưa thật sự hấp dẫn, trong khi nhiều nước trong khu vực có nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế. 

Thứ ba là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động chưa thật sự hiệu quả. 

Thứ tư là các chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước sau đại dịch Covid-19 tại các thị trường còn ít, dẫn đến thông tin chính thức về chính sách mở cửa du lịch Việt Nam đến khách quốc tế chưa đầy đủ. 

Thực tế đó đòi hỏi TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế thỏa thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành trên tất cả nội dung đã thống nhất. 

4 nhiệm vụ trọng tâm

Để phát huy hiệu quả chương trình liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết cần tập trung 4 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh, thành trong liên kết đến với doanh nghiệp và du khách thông qua các kênh thông tin quảng bá của 14 tỉnh, thành và các kênh thông tin đại chúng.

Thứ hai, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường trong nước trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương để "hút" dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết của vùng.

Thứ ba, phối hợp tổ chức các hoạt động về xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Song song đó, tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của 14 tỉnh, thành phố trong liên kết.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng và đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển du lịch chung của Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển chung của du lịch, như quy định về miễn thị thực, thị thực điện tử...

Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức du lịch quốc tế và các đơn vị tư vấn, du lịch thế giới có khả năng đạt được mức tăng trưởng như năm 2019 vào năm 2024, sớm hơn một năm so với các dự báo cũ. 

Điều đó có nghĩa là, du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đang đứng trước cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển, nhưng cũng đồng thời đứng trước thách thức không nhỏ so với các điểm đến khác trong khu vực, đặc biệt là đối với thị trường khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết liệt phối hợp chặt chẽ của 14 tỉnh, thành trong liên kết với các kế hoạch cụ thể hằng năm, TP.HCM có thể xây dựng thương hiệu du lịch vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL trở thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam và cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết phát triển du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO