Liên kết du lịch - Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương

Minh Nhi| 13/07/2020 01:00

Lần đầu tiên liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác, chỉ đạo sâu sát đã giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ khó khăn trong triển khai hoạt động.

Liên kết du lịch - Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương

Cảnh về đêm của cây cầu tình yêu Cần Thơ

Hiệu ứng từ kích cầu

Tại Hội nghị “Sơ kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng của ngành du lịch quý I giảm sâu, và phục hồi chậm trong quý II, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành. Tổng khách du lịch đến TP.HCM 6 tháng đầu năm đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7%, trong đó khách quốc tế đến TP. HCM 6 tháng ước đạt 1,3 triệu lượt, giảm 69,3% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 8,1%, giảm 50,9% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch 6 tháng ước đạt 34.099 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ.

Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách du lịch đạt 12,9 triệu lượt, giảm 51% so với cùng kỳ. Trong đó số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông ĐBSCL (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh) đạt 436.890 lượt, giảm 41,6% so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt, giảm 48,3%. Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây ĐBSCL (Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang) chỉ đạt 289.814 lượt, không tăng không giảm so với năm ngoái, tương tự đối với khách du lịch nội địa (là 9,6 triệu lượt). 

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành thiệt hại nặng nề. Riêng ĐBSCL còn phải gánh chịu tác động kép từ dịch bệnh và khô hạn. “Sáu tháng qua là giai đoạn hết sức khó khăn, tăng trưởng của ngành du lịch quý I giảm sâu và phục hồi chậm trong quý II đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành”. 

Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì lúc này chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều. Nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP.HCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến du lịch ở TP.HCM sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. Bên cạnh đó, TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các tour du lịch liên kết từ Thành phố về ĐBSCL.

Để đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong 6 tháng cuối năm 2020, ông Vũ cũng cho rằng, các địa phương tiếp tục thực hiện ba chương trình du lịch gồm: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên, Non nước hữu tình. 

Thực tế cho thấy, từ sau Hội nghị triển khai ở Bạc Liêu vào tháng 12/2019 cho đến nay, do sự chỉ đạo kịp thời của UBND 14 tỉnh, thành cùng sự phối hợp của các Sở VHTTDL, Sở DL trong chia sẻ thông tin, biện pháp phòng chống dịch nên bước đầu đã thực hiện một số chương trình trong 13 chương trình thuộc kế hoạch hợp tác đã được 14 địa phương đồng thuận triển khai. 

Trong khoảng gần hai tháng 5 và 6 không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đã có trên 50.000 lượt khách du lịch đăng ký mua tour tại doanh nghiệp lữ hành lớn của TP.HCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. 

Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tạo thương hiệu thúc đẩy du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của ĐBSCL chưa phát huy tiềm năng và lợi thế như không gian du lịch vùng bị gián đoạn, nhiều địa phương làm du lịch còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch giống nhau, dễ gây nhàm chán.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để việc liên kết du lịch hiệu quả thì TP.HCM và ĐBSCL cần quyết liệt đi vào xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực. Trong lúc không có sự cạnh tranh với các thị trường nước ngoài , việc cần làm là thế nào “để mỗi người dân đều muốn bước ra khỏi nhà, đi du lịch đây đó ở Việt Nam”, do đó, ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cần tiếp cận kích cầu như một giải pháp khơi gợi mong muốn đi du lịch trở lại của du khách. 

dulich-1-1654-1594350748.jpg

Miền sông nước hữu tình ở Cần Thơ níu chân du khách không rời

Du lịch lấy người dân làm trung tâm 

Trước đó, tại Tây Ninh cũng đã diễn ra Hội nghị Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ với chủ đề “Liên kết - Phát triển - Bền vững”. Tại hội nghị, TP.HCM và 5 tỉnh trong vùng Đông Nam bộ gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, ba tuyến sản phẩm liên vùng mới gồm: TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam bộ”, TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông” và TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó thủ tướng Chính phủ biểu dương các địa phương Đông Nam bộ đã đồng lòng hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Phó thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần phát triển du lịch lấy người dân làm trung tâm, chú trọng yếu tố bền vững trong liên kết. Trong xu thế công nghệ hiện nay, du lịch cũng phải hướng đến thông minh hơn, số hóa các di sản, bảo tàng, cơ sở lưu trú... tạo nên sức sống mới cho du lịch. Đồng thời, cơ cấu lại thị trường, làm mới những sản phẩm du lịch. Các địa phương cần phân tích thị phần và thị trường khách mục tiêu của vùng, từ đó xác định được chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến chung cho phù hợp. Hiện nay, cần quan tâm hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua để cùng hợp sức đẩy mạnh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần theo lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch các nước là thị trường trọng điểm, kết hợp với các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế như Google, Euro Monitor để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách quốc tế. Đối với những quốc gia đã có sự kiểm soát tốt dịch như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc, cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TP.HCM và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn và vẫn đang sống động, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, tránh sự “đứt gãy” trong chuỗi giá trị, thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng để hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết du lịch - Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO