Kiến trúc độc đáo của ga Đà Lạt và biệt thự Phi Ánh

Phan Thế Hải| 25/05/2023 01:42

Đây là hai điểm dừng chân hiện thu hút khá nhiều du khách khi đến với thành phố ngàn hoa.

Kiến trúc độc đáo của ga Đà Lạt và biệt thự Phi Ánh

Ga Đà Lạt là điểm đầu của tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang, từng nối Đà Lạt với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại ga Tháp Chàm, Phan Rang, Ninh Thuận.

Trong khi đó, cách ga Đà Lạt khoảng 300m về phía bắc là biệt thự Phi Ánh, một kiến trúc độc đáo theo phong cách Tây Ban Nha. Đây cũng là món quà tặng của Hoàng đế Bảo Đại cho người tình Phi Ánh.

Từ ga Đà Lạt....

Đường sắt Đà Lạt-  Phan Rang được người Pháp nghiên cứu từ năm 1898, khởi công năm 1908 theo lệnh của toàn quyền Paul Doumer. Năm đó thi công đoạn 38km giữa Tháp Chàm và Xóm Gòn, đến năm 1916 những chuyến xe lửa đầu tiên bắt đầu hoạt động mỗi tuần 2 chuyến. Năm 1917 được nối dài đến tận Sông Pha, dưới chân đèo Ngoạn Mục. 

Năm 1922, công ty thầu khoán Á Châu làm tổng thầu xây dựng đường sắt nối Sông Pha tới Trạm Hành - Đà Lạt. Năm 1928, thi công 10km khó khăn nhất giữa Krông Pha và đèo Eo Gió (Bellevue) được hoàn thành. Năm 1932, đoạn Đran được hoàn thành, thông toàn tuyến và chính thức đi vào hoạt động. Tổng kinh phí xây dựng là 200 triệu Franc thời giá bấy giờ.

-9432-1684971100.jpg

Mái của nhà ga Đà Lạt được thiết kế với cảm hứng lấy từ hình ảnh ngọn núi Lang Biang

Ga Đà Lạt được xây dựng muộn hơn chút và hoàn thành vào năm 1938. Một kiến trúc từ thời Pháp gần như còn nguyên vẹn với ba mái vút cao xuất phát từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron mô phỏng ngọn núi Lang Biang, nóc nhà của Tây Nguyên.

... đến biệt thự Phi Ánh

Biệt thự Phi Ánh được xây dựng từ năm 1928, công trình có tuổi đời gần như cùng với tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang. Những người sống lâu năm ở Đà Lạt kể lại, nhà thầu làm đường sắt Đà Lạt sau khi được quyết toán, kiếm được một khoản tiền kha khá ông liền cho xây ngôi biệt thự gần đó với phong cách kiến trúc Tây Ban Nha.

Phong cách này mang sự đa dạng của các nền văn hoá khác nhau như văn hóa Thiên Chúa giáo, văn hóa Hồi giáo,... từ đó đã mang đến cho nghệ thuật kiến trúc Tây Ban Nha những nét độc đáo riêng biệt.

Tây Ban Nha là xứ sở tiên phong trong việc vượt đại dương tìm vùng đất mới nên tính cách con người của họ phóng khoáng và nhiệt tình đã khơi gợi cho kiến trúc sư nguồn cảm hứng thiết kế nên những không gian xanh bình yên và lãng mạn. Kiến trúc Tây Ban Nha phản ánh sự cuồng nhiệt và hoang dã của con người nơi đây. Bên cạnh đó, sự thơ mộng, kỳ ảo chứa đầy sự lãng mạn và tưởng tượng cũng hiện hữu khiến kiến trúc Tây Ban Nha trở nên khác lạ.

-7294-1684971100.jpg

Một góc biệt thự Phi Ánh

Kiến trúc Tây Ban Nha có 2 phong cách chính: phong cách thuộc địa Tây Ban Nha và phong cách phục hưng Tây Ban Nha. Nếu phong cách thuộc địa Tây Ban Nha đề cao sự đơn giản, chân thực với đồ nội thất bằng gỗ, gam màu chủ đạo là be, đỏ, hồng, trắng, vàng đậm; thì phong cách phục hưng lại là sự kết hợp giữa các yếu tố cổ điển của Tây Ban Nha với những chất liệu mộc mạc như đá xẻ, gạch đất không nung, dầm trần bằng gỗ, mái đất nung, những cánh cửa chớp và cửa ra vào được chạm khắc nổi.

Biệt thự Phi Ánh nằm trên một diện tích sân vườn vừa phải, được xây phần lớn bằng đá chẻ, có lối đi rộng nối từ căn nhà bên này sang bên kia, có những ô cửa lớn được thiết kế thành những chiếc vòm cao gió lùa bốn phía. Bên trong trưng bày các bức tượng vũ nữ, 12 phù điêu hai mặt trên tường, trong đó có 4 bức hoa sen cách điệu có hình hai đầu chim lạ.

Sự sang trọng, trang nhã và lãng mạn là những gì mà căn biệt thự này mang lại. Tthiết kế không gian giúp cho căn biệt thự thêm rộng rãi hơn và thoáng mát hơn. Những khu vườn tiểu cảnh bên ngoài giúp cho biệt thự Phi Ánh càng thêm phần sang trọng. Mang theo đặc tính phóng khoáng và cởi mở nên biệt thự phi Ánh được thiết kế đều có những cửa sổ to rộng để chủ nhân có thể hoà mình vào thiên nhiên, tận hưởng khí trời,...

-8156-1684971100.jpg

Biệt thự Phi Ánh hiện được khai thác du lịch hiệu quả

Kiến trúc Tây Ban Nha mang một nét đẹp riêng biệt không thể hòa lẫn với bất kỳ nghệ thuật kiến trúc nào trên thế giới. Khi đến thăm biệt thự Phi Ánh, Hoàng đế Bảo Đại đã cảm nhận được nét đẹp đặc biệt của một nền văn hoá kiến trúc lâu đời nên đã không ngần ngại bỏ ra khoản tiền lớn để mua đứt ngôi biệt thự này tặng cho thứ phi Phi Ánh.

Điều làm không ít nhà nghiên cứu lịch sử- kiến trúc băn khoăn là ngôi biệt thự có kiến trúc Tây Phương lại lưu giữ rất nhiều phù điêu Á Đông, đặc biệt phù điêu thiếu nữ Chăm. Có người cho rằng, để xây dựng Nhà ga Đà Lạt, người Pháp đã phải giải tỏa cả một ngôi làng của người Chăm. Lại có ý kiến khác cho rằng, trong thời gia thi công đường sắt và nhà ga, vị chủ thầu người Pháp xa gia đình đã nặng tình với một hay một số cô gái Chăm. Để khắc tâm những mối tình này, ông đã cho tạc rất nhiều tượng cô gái Chăm, rồi sau đó đặt tại những vị trí trang trọng trong biệt thự.

Tựu trung, đến thăm ngôi biệt thự 100 tuổi Phi Ánh này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và khám phá thêm một trường phái kiến trúc nổi tiếng của thế giới. Và cùng với ga Đà Lạt, biệt thự Phi Ánh chắc chắn sẽ tạo ra những dấu ấn khó phai trong lòng du khách mỗi khi có dịp đến với thành phố ngàn hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiến trúc độc đáo của ga Đà Lạt và biệt thự Phi Ánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO