Iran hiếu khách

PHI HOA| 20/02/2015 07:20

Hành trình chuyến du lịch Iran của chúng tôi bắt đầu từ thủ đô Tehran ở phía Bắc của đất nước này. Sau chuyến bay khoảng 1 giờ rưỡi, chúng tôi xuống thành phố phía Nam kinh đô của văn hóa, thi ca, tình yêu - Shiraz.

Iran hiếu khách

Hành trình chuyến du lịch Iran của chúng tôi bắt đầu từ thủ đô Tehran ở phía Bắc của đất nước này. Sau chuyến bay khoảng 1 giờ rưỡi, chúng tôi xuống thành phố phía Nam kinh đô của văn hóa, thi ca, tình yêu - Shiraz.

Đọc E-paper

Từ Shiraz chúng tôi đi bus đến khu di tích lịch sử - niềm tự hào của người Iran - Persepolis, rồi đi dần lên phía Bắc, đến Esfahan cố đô tươi đẹp của Iran, băng qua sa mạc và trở về Tehran để kết thúc hành trình.

Iran là quốc gia rộng lớn thứ hai ở khu vực Trung Đông và với khoảng 80 triệu người, tương lai được đánh giá là “sẽ trỗi dậy mạnh mẽ”. Tuy bị cấm vận nhưng Iran có nền kinh tế độc lập, sản xuất được ô tô và các ngành chế tạo khác. Sự giàu có của Iran một nửa là do nguồn dầu mỏ và khí gas xuất khẩu.

Trước khi đến Iran, tôi có hơi lo lắng vì đến một đất nước còn đang bị Mỹ cấm vận. Nhưng tất cả đều trái ngược với tưởng tượng của tôi. Một chuyến đi vui nhộn, ý nghĩa với những con người luôn thích cười. Lần này, tôi có cơ hội học tập được nhiều, vì được nghe giới thiệu từ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiêp, được nghe những câu chuyện, những trải nghiệm của những doanh nhân từng sống ở Iran và Nhật Bản.

Được gặp đại sứ Iran tại Nhật Bản nghe chuyện chính trị, xã hội, được tham gia hai buổi tiệc gia đình nơi người Iran tụ tập ca hát, nhảy múa. May mắn nhất có lẽ là được đi cùng với những doanh nhân thành đạt của Nhật Bản, những con người mà khi tiếp xúc tôi thực sự bị thuyết phục bởi cái tầm và tấm lòng của họ.

Người dân Iran đặc biệt chiếm được cảm tình của tôi bởi sự thân thiện. Từ trẻ em cho đến người già đều nói được chút ít tiếng Anh. Họ thích bắt chuyện và chụp ảnh chung với người nước ngoài. Không ở nơi đâu tôi đi du lịch mà trẻ con chạy ra chụp ảnh chung, hỏi chuyện về quốc gia của những khách du lịch và kể về mình một cách thích thú như ở đây. Người trẻ thì chạy ra bắt tay nói chuyện như những người đã quen.

Người dân Iran thích người Mỹ mặc cho sự căng thẳng chính trị giữa hai nước. Tôi đã tự kiểm chứng điều này khi hỏi chuyện mọi người ở đây cũng như chứng kiến một lượng lớn khách Mỹ du lịch ở Iran.

Người Mỹ là khách du lịch nhiều nhất ở Iran, một người tour guide Mỹ nói với tôi. Tháng nào ông cũng dẫn ít nhất hai đoàn lớn từ Mỹ qua Iran. Dù bị Mỹ cấm vận nhưng khách sạn của Iran luôn được đặt kín cho đến tận năm sau và hầu hết là doanh nhân Mỹ và châu Âu.

Có thể thấy, khi việc buôn bán và trao đổi hàng hoá gặp phải khó khăn bởi pháp luật hay một điều gì, thì đó chính là nơi nhiều cơ hộâi kinh doanh nhất. Người Mỹ và người châu Âu biết rõ điều đó ở Iran.

Một doanh nhân Iran dẫn đầu đoàn của chúng tôi và người tour guide từng tham gia cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1978 - 1979. Ông kể, cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, chỉ vì mâu thuẫn với cách tiêu xài hoang phí của nhà vua mà người người dân tham gia cách mạng với hy vọng cho một cuộc sống mới.

Ông cũng là một sinh viên hăm hở góp mình vào thời cuộc của đất nước. Nhưng ông thở dài nhiều khi nói về kết quả của cuộc cách mạng. Có lẽ Iran đã vận mình quay ngược lại với dòng phát triển bình thường, để sau cách mạng, trừ phe cầm quyền thì ít người dân nào cảm thấy hạnh phúc với kết quả của nó.

Nhà cầm quyền Ruhollah Khomeini đã hứa với nhân dân sẽ có công bằng, có phát triển kinh tế, có tự do... nhưng Iran bây giờ là một đất nước đang bị kìm kẹp, khi phụ nữ không được đối xử công bằng như nam giới, internet bị hạn chế, thông tin và phát ngôn không được tự do.

Trước cách mạng, Iran là một đất nước thân Mỹ, khá tự do và được định hình hiện đại hoá theo mô hình của phương Tây. Người Iran giàu có, phụ nữ được tự do và bình đẳng như nam giới. Trước đây, 1.000 Rial (tiền Iran) đổi 14 USD, thì sau cách mạng, đồng Rial mất giá gần 200 lần.

Ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi là Iran rất xinh đẹp. Có thể ví mỗi thành phố lớn của Iran đều là một ốc đảo tươi đẹp bật lên trên sự cằn cỗi thiếu nước của sa mạc.

Nhìn đâu cũng thấy những ngọn núi cao màu đất, trên đỉnh phủ tuyết trắng. Iran vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp huyền bí của một xứ Ba Tư trong những câu chuyện cổ tích. Vẫn còn đó những cung điện nguy nga tráng lệ dát đá quý, những nhà thờ Hồi giáo khổng lồ, những di tích điện đài tráng lệ giữa vùng hoang mạc manh mông.

Vẻ đẹp huyền bí của Iran dễ tưởng tượng nhất là vẻ đẹp khó hiểu trong đôi mắt sâu thẳm như bầu trời đêm giữa sa mạc của cô gái Hồi giáo trùm khăn.

Iran là một đế quốc hùng mạnh cách đây khoảng 3.000 năm, là đế quốc huy hoàng nhất châu Á, từng trị vì Ai Cập, Babylon cổ đại. Khách du lịch có thể thấy được phần nào lịch sử huy hoàng đó khi đi thăm di tích cung điện cổ ở Persepolis. Những cột đá đồ sộ chạm khắc nghi lễ, sự kiện của một thời đại mà ở vua Iran có ảnh hưởng như thế nào đến các nước khu vực.

Nơi có nét kiến trúc đẹp nhất và mang đậm nét Hồi giáo Nhất của Iran là nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lutfollah Mosque trên quảng trường Imam Mosque trung tâm của Esfahan. Nhà thờ này có kiến trúc đặc biệt không có cột moneret chỉ đường và được dành riêng cho vua thời xưa, nên có thiết kế bên trong rất tỉ mỉ, tinh tế.

Tôi trầm ngâm đứng trong nhà thờ, trước nơi cầu nguyện hướng về đất thánh Makka quê hương của đạo Hồi, nhìn rõ những tia sáng Mặt trời lọt chéo qua cửa sổ một cách huyền ảo. Bước vào nhà thờ này, nhìn lên vòm cầu màu xanh dương, tôi có cảm giác mình đang nhìn lên vòm trời xanh cao vời vợi. Ở đó có những thế lực siêu nhiên nào đó đang quan sát, phán xét con người.

Nhà thờ Hồi giáo không có tượng thánh thần, không đặt bàn ghế, chỉ có hoa tiết bằng sứ và những dòng kinh Koran viết bằng chữ tượng hình như một hoạ tiết trang trí.

Phải chăng chính bởi bố cục đó khiến con chiên khi vào nhà thờ cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé. Suy cho cùng chính vì cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, con người cần một chỗ dựa tinh thần. Tôi cảm thấy mình phải hiểu hơn về tôn giáo này, về những con người và những quốc gia Hồi giáo. Bởi trong thế giới phẳng này, thiếu sự hiểu biết về một tôn giáo lớn sẽ là một khiếm khuyết trong tri thức.

Tôi biết đến thảm Ba Tư từ những câu truyện cổ Ngàn lẻ một đêm từng mê mẩn thời tuổi thơ. Và khi đến Iran, một lẫn nữa tôi lại mê mẩn những tấm thảm bay vẫn thường gặp trong giấc mơ.

Ngày thứ hai khi ở Teheran, chúng tôi lang thang ở bazar - khu chợ trung tâm thành phố. Du khách rất dễ lạc trong khu chợ mê cung này, với hàng trăm ngàn gian hàng.

Những lối đi nhỏ ở giữa nằm trong những vòm mái xây bằng gạch thô cổ kính. Không khí cổ xưa vẫn lưu lại đậm nét ở đây trong thời đại này. Rất dễ có cảm giác chỉ thiếu mấy chú lạc đà chở hàng nặng trĩu trên lưng nữa là ai cũng có thể nghĩ cảnh mua bán này đã diễn ra như thế từ hàng ngàn năm trước.

Chúng tôi được dẫn đi xem những chiếc thảm là món hàng đắt giá nhất trong khu chợ. Thảm Iran vẫn được dệt theo cách truyền thống từ cách đây 2.500 năm bằng bàn tay khéo léo của người Ba Tư.

Mỗi tấm thảm là một kỳ công của người sản xuất bởi nó thường là mẫu thiết kế duy nhất. Chính vì công việc vất vả này, khiến số người dệt thảm truyền thống ngày càng giảm đi, làm cho giá trị của một tấm thảm sẽ tăng theo thời gian.

Người Iran coi trọng những tấm thảm vì nó thể hiện sự giàu có và thẩm mỹ của chủ nhân. Người ta thường tiết kiệm tiền để mua được tấm thảm ưng ý trải ở phòng khách, và giữ từ đời này qua đời khác.

Ở đây, có hơn 10 ngàn cửa hàng bán thảm tạo thành một khu riêng, có những tấm thảm rẻ tiền, tính ra chỉ vài triệu đồng, nhưng cũng có những tấm thảm cả chục tỷ đồng được bày bán.

Có lẽ đến Iran mà không đi xem thảm là điều đáng tiếc nhất. Bởi bạn có thể đi các nhà thờ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập, nhưng không thể tìm ra nơi nào khác để được chiêm ngưỡng những tấm thảm ngoài chính quê hương của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Iran hiếu khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO