Đầu nguồn ánh sáng Sông Đà

NGÔ MINH| 27/12/2012 04:50

Từ 20 năm nay, cả nước dùng ánh sáng đến từ Hòa Bình, đêm đêm ánh điện Sông Đà thắp sáng hàng chục triệu ngôi nhà, tạo ra vô số công việc làm ăn trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhưng hẳn còn rất nhiều người chưa biết nguồn sáng ấy đã ra đời như thế nào...

Đầu nguồn ánh sáng Sông Đà

Từ 20 năm nay, cả nước dùng ánh sáng đến từ Hòa Bình, đêm đêm ánh điện Sông Đà thắp sáng hàng chục triệu ngôi nhà, tạo ra vô số công việc làm ăn trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhưng hẳn còn rất nhiều người chưa biết nguồn sáng ấy đã ra đời như thế nào...

Đọc E-paper

Bởi thế mà khi đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi được cô hướng dẫn viên du lịch Sông Đà dẫn đi trên đường hầm dẫn vào gian máy, đứng ngắm tám tổ máy phát điện đồ sộ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, vàng chói nằm sâu dưới lòng núi 153 thước, bao nhiêu xúc động trào dâng... Phải gọi đây là một công trình kỳ vĩ .

Đây là lần thứ hai tôi đến Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Lần thứ nhất vào cuối năm 1985, tôi là đại biểu dự Đại hội Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 2. Sau đại hội, một số nhà văn trẻ miền Trung và miền Nam được Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà mời lên tham quan công trường xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Đoàn được ông Ngô Xuân Lộc, lúc đó là Tổng giám đốc Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà tiếp đón rất nồng nhiệt. Lúc đó nhà máy đã khởi công được 6 năm (bắt đầu từ ngày 6/11/1979) và đã tiến hành ngăn sông Đà đợt 1 (1983) và đang khẩn trương chuẩn bị để mấy ngày nữa sẽ ngăn sông đợt 2 (9/1/1986).

Trên công trường lúc đó có hàng vạn công nhân trẻ đang miệt mài khoan núi, đắp đập, ngăn sông. Những năm 85, 86 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta ở trên bờ vực thẳm, nên cuộc sống của công nhân Thủy điện Sông Đà vô cùng vất vả, phải ăn bo bo, phải chịu cảnh không điện, phải ở những khu lán tập thể tre nứa sơ sài.

Nhưng nhìn gương mặt của họ ai cũng hồ hởi với công việc nổ mìn khoan đá, đào đường hầm, lái xe cẩu, xe xúc, xe ben... Cờ Tổ quốc tung bay phần phật trên mui xe, trên sườn núi...

Thời kỳ cao điểm, trên công trường có trên 36.000 công nhân, kỹ sư làm việc, trong đó có 5.000 chiến sĩ quân đội thuộc Binh đoàn 12 và 750 chuyên gia Liên Xô.

Thật là một đại công trường. Chúng tôi được chỉ huy công trường hướng dẫn tham quan nơi khoan núi làm 8 cửa nhận nước, nơi đắp đập chặn dòng. Sông Đà là con sông dữ, đất đá đổ bao nhiêu cũng bị cuốn đi. Để ngăn sông, công nhân phải đúc hàng chục ngàn khối bê tông lớn hình tháp, mỗi khối nặng gần 3 tấn, có móc phía trên, rồi cẩu thả xuống dòng nước mới ngăn được sông.

Có một khối bê tông như thế được đặt trong nhà truyền thống của nhà máy. Trong khối bê tông này có chứa "bức thư thế kỷ” do nhà báo Thép Mới chấp bút và được lãnh đạo tối cao của hai nước Việt Nam - Liên Xô cùng ký gửi đến thế hệ 100 năm sau của Việt Nam!

Sáng sớm, xe chúng tôi từ Cửa Lò, Nghệ An theo quốc lộ 1A đến gần thị xã Ninh Bình thì rẽ lên hướng rừng Cúc Phương đi Hòa Bình. Đêm rằm, trăng soi đất Mường núi đồi nhấp nhô, hùng vĩ. Lần đầu tiên tôi được ngắm toàn cảnh Thủy điện Hòa Bình vào đêm trăng. Gió từ hồ thủy điện thổi lên mát rượi.

Hồ này có diện tích tới 200km2, mực nước bình thường cao 115 mét, mực nước chết là 80 mét. Đập thủy điện Hòa Bình cao 128 mét, dài 743 mét, dày 70 mét.

Dưới lõi đập bằng đất sét là một màn chống thấm được tạo ra bằng bê tông khoan phun dày 30 mét. Công trình xã nước vận hành là đập bê tông cao 70 mét, rộng 106 mét, có 2 tầng: tầng dưới có 12 cửa, tầng trên có 6 cửa.

Dẫn chúng tôi đi tham quan công trường, ông Ngô Xuân Lộc tâm sự: "Các bạn là nhà văn trẻ, là nhà văn tương lai của đất nước. Các bạn đang ở trên một công trường trẻ. Chúng tôi gọi là "công trường trẻ” vì ở đây tất cả thợ khoan đá, lái xe, lái máy xúc, thợ hàn, thợ nguội...đều hai mươi ba mươi, ba nhăm tuổi cả.

Quá tuổi đó là phải lui về tuyến sau, như trong bóng đá vậy. Vì không trẻ thì không thể lái xe ben, xe xúc đi như băng trên sườn núi ở độ dốc nghiêng 15 đến 20 độ được. Sơ suất một chút là rơi xuống vực... "Vâng, tuổi trẻ đang làm nên nguồn sáng cho Tổ quốc", sự so sánh văn chương ấy làm tôi nhớ mãi đến bây giờ.

Người ta nuôi cá và tổ chức du lịch trên hồ. Hàng trăm ngọn núi thành đảo. Mùa nước, hồ mênh mông, có thể đi thuyền đến nhiều tỉnh vùng Tây Bắc.

Lượng nước hằng năm của Sông Đà lên tới 58 tỷ mét khối, hồ chứa nước Hòa Bình có dung tích 9,45 tỷ mét khối, trong đó nước để khai thác năng lượng là 5,65 tỷ mét khối.

Như thế, Thủy điện Hòa Bình chỉ mới khai thác được 10% lượng nước sông Đà nên Nhà nước cho xây tiếp thủy điện ở Sơn La và Lai Châu. Vừa qua, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã khánh thành và đi vào khai thác.

Đến Hòa Bình mà không vào lòng núi tham quan nhà máy thủy điện thì coi như chưa đến. Có rất nhiều đoàn khách du lịch từ khắp nơi trong nước đến tham quan. Thủy điện Sông Đà đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Đường hầm vào gian máy rộng như đường phố, cao tới 50 mét, được lắp hệ thống chiếu sáng rất hiện đại. Con đường hầm này dài hơn 200 mét, tường bê tông dày 0,9 mét. Hầm máy là gian rộng nhất. Ở đây có 8 tổ máy phát điện khổng lồ với công suất mỗi tổ máy là 240 megawat được đặt ngầm trong núi.

Mỗi rotor máy nặng tới 550 tấn, chuyển bằng tàu thủy từ Liên Xô sang, lại phải chuyển vào lắp đặt trong đường hầm nên vô vùng vất vả, cả năm mới xong. Ngày 30/12/1989 vận hành tổ máy thứ nhất, đến khi vận hành tổ mấy thứ 2 phải mất 11 tháng nữa, từ tổ máy thứ 2 đến tổ máy thứ 3 kéo dài đến 16 tháng...

Bởi thế mà từ khi tổ máy thứ nhất phát điện, đến ngày khánh thành tổ máy thứ 8 phải mất gần 6 năm. Hầm máy có chiều dài 240 mét, cao 50,5 mét, rộng 19,5 mét. Ở trong hầm máy có một phòng điều khiển trung tâm do hai chuyên viên trực tiếp điều khiển bằng hệ thống camera hiện đại.

Mỗi ngày luôn luôn có 100 kỹ sư và công nhân làm việc trong gian máy này trên tổng số gần 900 lao động của Nhà máy. Các chuyên viên làm việc ở gian máy cho biết, từ khi khánh thành tổ máy số 8 (ngày 4/4/1994) đến nay, chưa bao giờ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chạy hết công suất 8 tổ máy, mà các tổ máy đổi nhau vận hành. Bình thường chỉ chạy 4-5 tổ máy...

Toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được lắp đặt trong một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng núi, nhiều tầng được xây dựng vô cùng kiên cố, có độ bền vĩnh cửu, phức tạp và chắc chắn hơn cả hầm đường bộ Hải Vân.

Năm 1989 là năm đầu tiên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát được 1 triệu Kwh điện. Thời kỳ nhà máy phát điện cao nhất bắt đầu từ năm 1995 cho đến nay, mỗi năm từ 7 đến 8,5 triệu Kwh. Ngày 27/5/1994, trạm 500KV đầu nguồn Hòa Bình bắt đầu cung cấp điện cho miền Trung và miền Nam.

Mỗi năm chuyển lên đường dây 500KV từ 1,5 đến gần 3 triệu Kwh. Đến cuối tháng 2/2005, nhà máy đã sản xuất được 100 tỷ KWh điện, chiếm 18% trong cơ cấu sản lượng điện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, trong đó có 18,8 tỷ KWh chuyển tải vào miền Trung và miền Nam theo đường dây 500KV. Những con số tuy khô khan nhưng nó nói lên một điều hệ trọng: Nguồn sáng Hòa Bình đang tỏa sáng khắp đất nước Việt Nam...

Một ngày một đêm là thời gian quá ít để có thể viết nên một cái gì. Những ghi chép lỗ mỗ của tôi như là những xúc cảm không thể kìm được, mong gửi tới bạn đọc những thông tin đáng tự hào ở nơi đầu nguồn sáng Sông Đà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu nguồn ánh sáng Sông Đà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO