Du lịch Việt Nam: Chủ động chuẩn bị để không chậm chân

Nguyễn Văn Mỹ (*)| 03/10/2021 08:00

Chuẩn bị cho du lịch hồi sinh là cạnh tranh âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt. Chẳng ai muốn lỡ thời cơ, vì sợ “trâu chậm uống nước đục”.

Du lịch Việt Nam: Chủ động chuẩn bị để không chậm chân

Đảo Cát Bà - một điểm du lịch hút khách

Nói chuyện mở cửa du lịch ngay lúc dịch Covid-19 bệnh đang hoành hành có vẻ hơi... kỳ. Lo cứu mạng, an dân căn bản còn chưa nổi, nói chi chuyện đi chơi. Ra khỏi nhà còn không được nữa là du lịch. Du ảo (du lịch tưởng tượng qua sách báo, phim ảnh) thì được, nên khuyến khích.

Nhân tiện cũng lạm bàn một chút về du ảo. Vì dịch bệnh nguy cấp, một số tờ báo bỏ hẳn chuyên mục du lịch, ẩm thực, giải trí. Toàn đăng thông tin dịch bệnh. Cứ tưởng làm vậy để cảnh báo người dân nhưng thực tế, lợi bất cập hại. Đọc toàn thông tin dịch bệnh, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng, sức đề kháng giảm sút. Suốt ngày rảnh rỗi, nên tìm việc làm khuây khỏa, vừa giải trí vừa học hỏi thêm, lạc quan mới “vượt bão” được.

Ở nhiều nước, dịch bệnh nguy cấp hơn ở ta, họ vừa tự tin đối phó vừa mở cửa có điều kiện, du lịch từng bước hồi sinh, chứ không “đóng băng toàn diện”.

Mở cửa có điều kiện

BACH-MA-8351-1632821268.jpg

Bạch Mã

Hiện nay, nhiều nước quyết định mở cửa có điều kiện ít nhiều đều có phần rủi ro. Đó là sự mạo hiểm cần thiết, có cân nhắc, tính toán. Kinh tế vẫn phải duy trì, hạn chế suy thoái, dù dịch bệnh, miễn là đảm bảo an toàn tối thiểu.

Thời gian đầu, mỗi quốc gia có cách phòng, chống dịch riêng với những kết quả khác nhau. Sau gần hai năm phòng, chống dịch, các nước đều nhận ra vaccine là quan trọng nhất, phải chạy đua nước rút. Những nước nào dự báo đúng tác dụng của vaccine thì chủ động hơn. Đó là điều kiện bắt buộc khi muốn tổ chức sản xuất, kinh doanh và mở cửa du lịch.

Mỹ, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước châu Âu đã lên kế hoạch “sống chung với dịch Covid-19”. Với các nước giàu có, tài chính và nguồn lực y tế dồi dào, việc chống dịch không quá khó. Các nước nghèo gian nan hơn nhưng vẫn có những cách làm hiệu quả. Campuchia nghèo hơn Việt Nam nhưng 50% dân số trên 18 tuổi đã tiêm đủ hai liều vaccine. Dự báo, kinh tế Campuchia năm 2021  tăng 6%.

CON-DAO-4360-1632821268.jpg

Côn Đảo

Nhiều nước mở cửa từng bước nhưng vẫn “thụt thò”, thay đổi cách làm vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Có thể tạm đóng cửa, chứ không “đóng băng”. Tất cả đều hiểu rằng du lịch đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống trong xã hội phát triển. Thiếu du lịch có thể không chết nhưng chắc chắn có những sang chấn tâm lý, ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách những người ưa xê dịch, khám phá, đó là chưa nói du lịch là một ngành kinh tế quan trọng.

Đa phần các nước mạnh dạn mở cửa từng bước là có ngành du lịch phát triển mạnh. Không ai dám liều lĩnh đánh cược với dịch bệnh, nhưng cũng không ai muốn chậm chân. Chuẩn bị cho du lịch hồi sinh là cạnh tranh âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt. Chẳng ai muốn lỡ thời cơ, vì sợ “trâu chậm uống nước đục”.

Chưa có vaccine nào an toàn 100%. Tiêm chủng chỉ hạn chế lây lan SARS- CoV-2 và tăng sức đề kháng của cơ thể khi nhiễm bệnh. Nhưng đó là vũ khí tốt nhất hiện có nên cần tận dụng tối đa khi buộc phải sống chung với dịch bệnh. Hết dịch Covid-19 cũng chỉ là tạm thời vì virus gây bệnh biến thể khôn lường. Chờ an toàn 100% là ảo tưởng. Cho nên nếu bớt dịch là phải từng bước mở cửa các ngành dịch vụ.

Ngay bây giờ, Việt Nam phải chủ động chuẩn bị cho ngành du lịch hồi sinh. Không thể chờ “nước đến chân mới nhảy”, vì không kịp.

Mở cửa thế nào?

CU-LAO-CHAM-6850-1632821269.jpg

Cù lao Chàm

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần tối thiểu 70% cư dân được chích ngừa SARS-CoV-2 mới đạt ngưỡng an toàn cộng đồng tương đối để mở cửa kinh tế từng phần. Thực tế, một số nước chưa đạt tỷ lệ này vẫn mở cửa du lịch nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các nước có tỷ lệ chích ngừa cao hơn, vừa mở cửa du lịch chưa được bao lâu đã phải “co cụm” vì biến thể Delta.

Hầu hết các nước đã mở cửa đều có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn Việt Nam nhưng họ vẫn kiên định chủ trương ấy. Thái Lan - cường quốc du lịch của châu Á đã tiên phong với mô hình “hộp cát” (sandbox) ở Phukhet - diện tích bé hơn đảo Phú Quốc nhưng dân số gấp ba. Người Thái đã chuẩn bị cho “hộp cát Phukhet” từ mấy tháng trước.

Hơn 300.000 người (70% dân số Phukhet) được tiêm chủng đủ hai mũi vaccine. Dịch bệnh căn bản được không chế. Từ ngày 1/7/2021, Phukhet mở cửa “hộ chiếu vaccine” cho khách quốc tế đã tiêm đủ hai liều vaccine, có xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi F0. Sau 14 ngày ở Phukhet, không bị lây nhiễm, du khách có thể đi khắp Thái Lan, trừ những điểm đang có dịch.

Trong thí điểm “hộ chiếu vaccine”, Thái Lan đón 12.300 du khách, thu về hơn 23 triệu USD, mở ra sự kỳ vọng về sự hồi sinh ngành du lịch. Đổi lại, có thêm 192 ca nhiễm SARS-CoV-2 (có 32 du khách), đa phần là dân trong nước và không có tử vong. Lập tức, Thái Lan đóng cửa Phukhet với khách nội địa. Du khách ở Phukhet cũng không thể đến các vùng khác của Thái Lan vì dịch bùng phát. 

Trung Quốc vẫn đóng cửa du lịch quốc tế nhưng mạnh tay mở cửa du lịch trong nước. Chỉ riêng kỳ nghỉ 6 ngày dịp Lao động Quốc tế 1/5, Trung Quốc đón 250 triệu khách nội địa, gần bằng dịp 1/5/2019 trước dịch. Do sau đó, phát hiện biến thể mới lây nhiễm một số vùng, nên Trung Quốc “siết lại” du lịch nội địa. Từng bước mở cửa du lịch là chuyện không đơn giản. Phải dự báo và chuẩn bị các phương án đối phó linh hoạt.

Từ thực tế các nước, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tham gia “hộ chiếu vaccine” theo cách riêng.

WHO đề nghị 70% cư dân được tiêm chủng, Việt Nam có thể nâng lên 90%, thậm chí 100%. Vấn đề là chọn những vùng du lịch nào thì ưu tiên cho những vùng đó. Tốt nhất là các đảo. Du lịch nghỉ dưỡng, gần gũi thiên nhiên là ưu tiên hàng đầu. Cần chuẩn bị nhân sự tương ứng và thí điểm từng bước. “Hộ chiếu vaccine” chỉ có thể triển khai khi khống chế căn bản được dịch bệnh. Cả du khách lẫn cư dân đều phải cảnh giác, triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định. Cần có những chính sách khuyến mãi thiết thực và PR hấp dẫn để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bộ Chính trị đã có chủ trương thí điểm “hộ chiếu vaccine”. Ngay bây giờ, cần có kế hoạch cụ thể với những bước đi thích hợp, đảm bảo an toàn nhưng không lỡ thời cơ. 

Mở cửa ở đâu?

PHUQUOC-7008-1632821269.jpg

Phú Quốc

Điểm mở cửa đón khách phải có cơ sở dịch vụ khép kín đạt chuẩn quốc tế cho du khách lưu trú dài ngày. Có hoặc gần sân bay, bến cảng. Tốt nhất là các đảo du lịch, các điểm đến biệt lập, có cơ sở lưu trú chuẩn quốc tế. Du khách sẽ lưu trú tối thiểu 14 ngày (bằng thời gian cách ly an toàn). Sau đó, nếu không lây nhiễm, được quyền tới các điểm “du lịch xanh” trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ là lựa chọn số một vì hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho du khách “hộ chiếu vaccine”, ưu tiên cho khách quốc tế. Với dân số 150.000 người, việc tiêm chủng cho 100% cư dân không khó. Phú Quốc có cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, giải trí, shopping... đẳng cấp châu Á. 

Chọn những vùng du lịch nào thì ưu tiên cho những vùng đó. Tốt nhất là các đảo. Du lịch nghỉ dưỡng, gần gũi thiên nhiên là ưu tiên hàng đầu. Cần chuẩn bị nhân sự tương ứng và thí điểm từng bước. “Hộ chiếu vaccine” chỉ có thể triển khai khi khống chế căn bản được dịch bệnh. Cả du khách lẫn cư dân đều phải cảnh giác, triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Sau Phú Quốc là Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), dân số khoảng 10.000 người, Cát Bà (Hải Phòng) dân số 45.000 người. Hòn Tre, Hòn Tằm (Khánh Hòa), Cù lao Chàm (Quảng Nam). Các điểm trải nghiệm không có dân cư như Bà Nà (Đà Nẵng), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) cũng rất lý tưởng để du khách khám phá thiên nhiên.Trong đất liền, Hội An (Quảng Nam), có diện tích 61,5km2, dân số gần 100.000 người sẽ là lựa chọn kết nối với Phú Quốc. 

Với du lịch nội địa, các tỉnh cũng phải làm từng bước, nhất là các điểm “du lịch xanh” và có phương án đối phó dự phòng nếu dịch bùng phát. 

Những người Việt có nhu cầu du lịch nước ngoài khi bớt dịch, cần tìm hiểu quy chuẩn “hộ chiếu vaccine” của từng quốc gia, từ vaccine chích ngừa, mã quản lý cho đến bảo hiểm. 

Mỗi nước có quy định riêng liên quan đến hiệu quả các loại vaccine và thực tế dịch bệnh, nên du khách phải dự báo những khó khăn có thể phải đối mặt khi ra nước ngoài du lịch và trở về.

Dịch bệnh không thể mãi hoành hành. Không chế, dập tắt dịch chỉ là vấn đề thời gian, nhanh hay chậm tùy nỗ lực của từng nước. Du lịch sẽ từng bước hồi sinh và bật dậy như lò xo lâu ngày bị nén. Ngay bây giờ cần khẩn trương chuẩn bị cho du lịch phục hồi và tăng tốc khi khống chế được dịch bệnh.

 (*) Chủ tịch Lửa Việt Tours

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Việt Nam: Chủ động chuẩn bị để không chậm chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO