Tại buổi giao ban báo chí định kỳ ngày 8/9, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, việc thi công tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang gặp khó khăn do nguồn vốn ODA được phân bổ chậm và nhỏ giọt.
Đọc E-paper
Năm 2017, TP.HCM dự kiến cần 5.400 tỷ đồng để thi công tuyến Metro này, song, đến thời điểm hiện tại, số tiền được Trung ương phân bổ chỉ hơn 2.100 tỷ đồng, chỉ đủ trả nợ cho đơn vị thi công đến hết quý I/2017. Đến cuối tháng 7/2017, tuyến Metro số 1 tiếp tục nợ nhà thầu hơn 500 tỷ đồng. Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục ứng hơn 500 tỷ đồng tiền ngân sách thành phố để trả nợ cho các nhà thầu.
Trước đó, TP.HCM đã phải hai lần ứng hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư. Đầu tháng 9/2017, các nhà thầu thi công tuyến Metro số 1 đã nhận hơn 300 tỷ đồng, dự kiến trong tuần này sẽ nhận số tiền còn lại gần 200 tỷ đồng.
Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến tại buổi kiểm tra thực địa công trình chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Chủ đầu tư công trình này là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết tiến độ thi công đã đạt 44%, nếu có mặt bằng trong tháng 9 thì công trình có thể hoàn thành vào dịp 30/4/2018.
Trung Nam cho biết đến nay vẫn chưa nhận được giải ngân từ ngân sách TP.HCM và kiến nghị được giao đất thanh toán (khoảng 16%). Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Tài chính kiểm tra và đề xuất giải quyết. Tuy nhiên, mọi thanh toán, xác nhận phải có ý kiến của tư vấn giám sát hợp đồng.
Cũng liên quan đến các công trình hạ tầng lớn trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông - Vận tải vừa báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất dừng thi công tuyến buýt nhanh BRT số 1 (lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) với vốn đầu tư dự kiến 144 triệu USD, vì qua khảo sát cho thấy, lượng khách đi xe buýt trên tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ khoảng 17.700 người/ngày, trong khi dự báo trước đây là hơn 24.700 người/ngày.
Tính toán cho thấy kinh phí đầu tư buýt nhanh BRT rất lớn trong khi số lượng hành khách không nhiều hơn so với các tuyến buýt thường hiện nay. Trong khi đó, nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng, thiết bị soát vé, nhà chờ, phương tiện BRT. Trong cuộc họp gần đây với Sở Giao thông - Vận tải và nhà đầu tư, ông Trần Vĩnh Tuyến đã thống nhất dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT số 1, thay vào đó sớm triển khai tuyến buýt chất lượng cao.
Việc rà soát tính khả thi và cấp thiết của một số dự án hạ tầng sử dụng lượng vốn lớn từ ngân sách và ODA một phần có thể giảm tải áp lực ngân sách, mặt khác tránh được những rủi ro nếu phải sử dụng vốn vay.