Trong cuộc họp vào giữa tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cam kết tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất ở mức 0% để phục hồi nền kinh tế. Theo đó, cơ quan này quyết định giữ nguyên quy mô mua trái phiếu hằng tháng ở mức ít nhất 120 tỷ USD, trong đó bao gồm 80 tỷ USD cho trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD cho chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS), cho đến khi nền kinh tế đạt được bước tiến đáng kể hướng về mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá cả.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua gói cứu trợ bởi Covid-19 trị giá 900 tỷ USD, theo đó cho phép FED giữ lại khả năng thiết lập chương trình cho vay khẩn cấp mà không cần phải thông qua quốc hội. Dù nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong quá trình hồi phục, nhưng với các chương trình nới lỏng định lượng và bơm tiền hỗ trợ khổng lồ sẽ tiếp tục triển khai, việc đồng USD tiếp tục suy yếu là dự báo chung của hầu hết chuyên gia kinh tế.
Các nhà phân tích từ Ngân hàng ING của Hà Lan nhận định, đồng USD sẽ mất giá thêm từ 5-10% trong năm 2021, trong khi Ngân hàng Citigroup dự báo đồng USD có nguy cơ giảm 20% trong năm 2021, khi FED tạo điều kiện để nền kinh tế tăng nóng.
Những kỳ vọng về tiêm chủng vắc xin trên diện rộng sẽ giúp kiểm soát dịch và thúc đẩy hồi phục kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mua bán những tài sản có nguy cơ rủi ro cao hơn, trong khi thị trường của đồng bạc xanh - thường được xem là nơi trú ẩn an toàn vào những thời điểm bất định - đã trở nên mất hấp dẫn.
Ở chiều ngược lại, đồng tiền của nền kinh tế thứ hai thế giới là nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục leo lên mức cao. Cặp tỷ giá USD/CNY đã rớt về quanh mức 1 USD đổi 6,55 CNY, thấp nhất trong hai năm rưỡi qua. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, đồng nhân dân tệ đã tăng giá hơn 8%, chuỗi tăng giá dài và mạnh nhất kể từ tháng 12/2016 đến nay. Tháng 11 vừa qua cũng đánh dấu tháng tăng giá mạnh nhất của CNY trong vòng 6 năm qua.
Sau khi chìm sâu vào suy thoái trong quý I do dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, nền kinh tế Trung Quốc đã dần hồi phục kể từ đó đến nay, giúp nước này là một trong số ít quốc gia giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay, đối lập với đà suy thoái của các nước phát triển tại phương Tây.
Trước triển vọng hồi phục tích cực, cộng thêm những cải cách nhằm mở cửa hệ thống tài chính, dòng vốn đang quay trở lại thị trường vốn của Trung Quốc với hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ từ các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào cổ phiếu và trái phiếu. Thậm chí gần đây Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế với lợi suất âm nhưng vẫn thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Trước xu hướng ấy, đồng CNY tăng giá là điều tất yếu, nhất là khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) chưa dùng đến các công cụ nhằm hạn chế tốc độ tăng tỷ giá đồng nội tệ. Điều này trái ngược với những chính sách trước đây của Bắc Kinh thường tìm cách hạn chế đà tăng giá của đồng nhân dân tệ vì lo ngại sẽ ảnh hưởng lên xuất khẩu.
Với thương mại toàn cầu đang hồi phục giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng trở lại, các cơ quan quản lý nước này không còn phải vội ngăn đà tăng giá đồng tiền, bởi sự lên giá của nhân dân tệ dường như không gây ảnh hưởng lớn đến các công ty xuất khẩu.
Ngược lại, đồng nnhân dân tệ tăng giá lại có tác dụng giúp nhập khẩu rẻ hơn và thúc đẩy tiêu dùng trong nước - một mục tiêu của Bắc Kinh trong chiến lược phát triển nền kinh tế tự chủ, tự cường. Nhân dân tệ lên giá càng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc - có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.