Kể từ đầu năm 2022, đồng rúp Nga đã tăng 11% so với đồng đô la Mỹ, vượt lên đồng real của Brazil với 9% và bỏ xa 29 đồng tiền chủ chốt khác. Ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các đồng tiền chính trên thế giới là đồng peso của Mexico, với mức tăng trưởng 1% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu năm. Trong khi đó, đồng tiền của Nga đã tăng 12% trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, tỷ giá hối đoái quốc gia của nước này bắt đầu giảm, có thời điểm đạt mức kỷ lục 120 rúp đổi lấy 1 đô la Mỹ vào tháng 3. Sau đó, bất chấp các lệnh trừng phạt toàn diện của phương Tây nhằm vào hệ thống tài chính Nga, đồng nội tệ rúp đã nhanh chóng được củng cố sức mạnh. Theo kết quả giao dịch trên Sở Giao dịch Moskva, sáng 15/5/2022, 1 đồng đô la Mỹ đổi được 64,54 rúp.
Giới phân tích nhận định rằng, kinh tế Nga không rơi vào ngưỡng sụp đổ như dự báo của nhiều người trong điều kiện Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt ở cấp độ chưa từng có. Nhờ biện pháp kiểm soát dòng vốn cùng với quyết định nâng cao lãi suất, đồng rúp Nga đã lấy lại sức mạnh trước đồng đô la Mỹ, với tỷ giá quy đổi ngang với thời điểm trước khi Moskva mở chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine. Nga đồng thời vẫn thực hiện ổn thỏa các nghĩa vụ trả nợ quốc tế đối với các khoản trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ.
Trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga là nền kinh tế tương đối khép kín và điều này giúp làm giảm tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt. Nhưng lý do lớn nhất giúp kinh tế Nga trụ lại là nguồn thu từ nhiên liệu. Từ ngày 22/4/2022 đến nay, Nga đã thu về ít nhất 65 tỷ USD xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch qua đường biển và đường ống. Thu ngân sách của chính phủ Nga đối với dầu mỏ, khí đốt, than đá xuất khẩu trong quý I năm nay đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 4/5/2022 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thực thi lệnh cấm nhập khẩu toàn diện dầu mỏ Nga, với hạn chót là đến cuối năm nay. Nhưng từ giờ đến mốc thời gian đó, kinh tế Nga vẫn có được khả năng kháng cự tốt.