“Đơn đặt hàng” cho thương hiệu Việt

PHẠM LÀI| 04/02/2009 01:43

Những ngày giáp Tết vừa rồi, bà Hai Mến, bán chạp phô ở chợ Tuy Hòa (Phú Yên), than rằng sức mua năm nay chỉ bằng một phần ba năm ngoái. Sạp vắng nên thấy khách tới, bà nói chuyện rất nhiệt tình như thể để trút tâm tư.

“Đơn đặt hàng” cho thương hiệu Việt

Những ngày giáp Tết vừa rồi, bà Hai Mến, bán chạp phô ở chợ Tuy Hòa (Phú Yên), than rằng sức mua năm nay chỉ bằng một phần ba năm ngoái. Sạp vắng nên thấy khách tới, bà nói chuyện rất nhiệt tình như thể để trút tâm tư.

* Hăm tám Tết rồi mà chợ cũng còn thưa quá, bác há!

- Ờ, năm ngoái giờ này là chen chân không lọt nữa. Năm nay biển giả, mùa màng đều thất bát nên người ta mua sắm ít lại. Mấy đứa công nhân may mới tội nghiệp chớ! Tết nhứt gì mà nghe đâu không được một đồng tiền thưởng.

* Nhưng con nghe nói hàng của mấy công ty nội địa năm nay bán được hơn hả bác?

- Tui cũng không để ý lắm chuyện hàng nội hàng ngoại. Nhưng ít tiền thì người ta thường lựa mua đồ giá rẻ hơn. Chỉ có điều, cứ nghe hàng Trung Quốc là nẫu (*) lắc đầu, trả lại. Nay ai cũng sợ hàng Trung Quốc hết cô ơi, nhất là thực phẩm. Thậm chí hàng sản xuất ở Sài Gòn mà có in mấy chữ Tàu thôi, người ta cũng nghi ngại, đắn đo.

* Những nhãn hiệu nào đang được khách hàng ở đây chuộng nhất, bác? Như nước tương, bột nêm chẳng hạn?

- Nhiều loại, nhiều giá, nhưng nay người ta ít tin quảng cáo hơn xưa rồi. Hồi trước, cứ loại nào quảng cáo trên tivi là ngoài sạp bán chạy ghê lắm. Hàng quảng cáo có nhiều thứ xạo quá, giá đắt, không ngon, mà chất lượng nhiều khi trên trời dưới đất... Thành ra lời truyền miệng bây giờ hiệu nghiệm hơn.

- Tui cũng chỉ giới thiệu với khách những loại hàng nào mình đã dùng qua và thấy được thôi, chứ không mặn mà mấy món quảng cáo với khuyến mãi mà thiếu thực chất. Thời thóc cao gạo kém này mà mua lầm hàng nữa thì tội nghiệp người ta.

Đây có thể không phải là tiếng nói đại diện cho một khuynh hướng thị trường, nhưng cũng là một phản hồi đáng tham khảo cho các nhà sản xuất và những người làm thương hiệu. Đã có nhiều nhận định rằng giai đoạn hiện nay chính là cơ hội cho hàng nội địa và các thương hiệu Việt, đặc biệt là cơ hội tại thị trường tỉnh lẻ, nông thôn - nơi sức mua vốn rất lớn song lâu nay, công tác tiếp thị chưa được chú trọng đúng mức.

Một góc chợ Tuy Hòa

Thị trường vùng xa cũng là mảnh đất mà những trò buôn bán gian dối vẫn còn nhiều đất “dụng võ”. Nhiều đơn vị lợi dụng sự dễ tính và thiếu thông tin của người tiêu dùng nông thôn để bán hàng kém chất lượng, “treo đầu dê, bán thịt chó” hoặc xả hàng tồn kho đã không còn nguyên giá trị sử dụng. Đã đến lúc hàng nội cần một cách thức thực sự khác xưa trong cách đến với người tiêu dùng đồng bào.

Vì sao lâu nay thương hiệu Việt và hàng nội địa vẫn thường phải lặp đi lặp lại ca khúc thất thế trên sân nhà, hẳn người trong cuộc, hầu hết đều biết rõ. Vậy thì nay, hàng Trung Quốc - vốn là đối thủ lớn về giá cả và khả năng len lỏi thị trường - đã nhiều phần bị mất thế bởi tổn thất lòng tin, người tiêu dùng thật sự cần những sản phẩm giá cả, chất lượng hợp lý và một hình ảnh, cách thức tiếp cận họ thật sự chân thành.

Hàng nội đừng nối gót hàng Trung Quốc ở sự bất chấp về chất lượng và khả năng gây hại cho người dùng! Hàng nội cũng đừng “lên” tivi, “lên” báo chí ầm ĩ những lời hoa mỹ và những chiến dịch khuyến mại khuếch trương nhưng không đem lại mấy quyền lợi thật sự cho khách hàng của mình. Nước tương nội địa một khi đã tự tin gắn dòng chữ “Không có 3-MCPD” thì phải thực sự không có 3-MCPD.

Bột nêm nội địa sử dụng thành phần điều chế nào, thì phải chân thành để người tiêu dùng lựa chọn, chứ không thể “nổ” tung trời theo kiểu “chiết xuất từ bào ngư”... Thương hiệu Việt phải thuyết phục người tiêu dùng ở giá trị đích thực của mình, chứ không phải kêu gọi lòng thương hại chỉ vì “người Việt dùng hàng Việt” hay người Việt phải ủng hộ hàng Việt để doanh nghiệp Việt không phá sản và công nhân không bị thất nghiệp!s

(*) tiếng địa phương, nghĩa là người ta, họ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Đơn đặt hàng” cho thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO